Cán bộ Công an thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên trên địa bàn.
Các xã, thị trấn triển khai mô hình gồm: Xã Trung Môn (Yên Sơn); thị trấn Lăng Can (Lâm Bình); xã Xuân Quang (Chiêm Hóa); xã Thái Hòa (Hàm Yên). UBND các xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Với sự vào cuộc của cả cộng đồng, các thành viên có trách nhiệm theo dõi, phát hiện sớm, giám sát quản lý, cập nhật danh sách các trẻ em có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm pháp luật đưa vào diện phòng ngừa, trợ giúp sớm. Từ những “địa chỉ cần trợ giúp” đó, các thành viên chủ động phối hợp cùng gia đình, nhà trường có biện pháp tiếp cận phù hợp, giúp đỡ trẻ em tiến bộ.
Kém hiểu biết pháp luật, thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý của gia đình, tình trạng trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thị trấn Lăng Can có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng đó, tháng 3-2019, thị trấn Lăng Can (lúc đó là xã Lăng Can) đã quyết định thành lập mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, đồng thời ban hành nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo với 16 thành viên. Mỗi thành viên được phân công phụ trách từng tổ dân phố.
Qua rà soát, 30 trẻ vi phạm pháp luật được đưa vào danh sách quản lý, giáo dục. Định kỳ mỗi tháng, các thành viên trong Ban chỉ đạo sẽ xuống địa bàn tuyên truyền, giáo dục những thanh niên vi phạm pháp luật. Thiếu tá Nông Minh Trực, Trưởng Công an thị trấn Lăng Can cho biết, mỗi trẻ chưa thành niên trong danh sách quản lý đều có những hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh các thành viên trong Ban chỉ đạo sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Nhờ đó, đa số trẻ trong diện quản lý đã có những tiến bộ rõ rệt. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có những thay đổi tích cực. Năm 2018, trên địa bàn ghi nhận 6 vụ vi phạm với 12 đối tượng thì 6 tháng đầu năm 2022 chỉ ghi nhận 1 vụ với 1 đối tượng. Hiện tại, còn 5 trẻ nằm trong diện quản lý, giáo dục cần được hỗ trợ thêm.
Cháu H, sinh năm 2006, ở thôn 5, xã Trung Môn (Yên Sơn) từng nghiện game online, nhiều lần trộm cắp vặt của nhà và hàng xóm để bán lấy tiền chơi game. Nhờ lực lượng công an xã và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể xã, thôn quan tâm, gần gũi và chỉ bảo, H. hiểu và quyết tâm thay đổi bản thân. Do hoàn cảnh gia đình, H. đã tạm gác lại công việc học và đi học nghề sửa chữa xe máy để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. H. là một trong những trẻ được các thành viên trong Ban chỉ đạo mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” xã Trung Môn giúp đỡ ngay khi thành lập mô hình, tháng 5-2020. Từ khi mô hình được triển khai, các tổ chức đoàn thể xã đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung phòng ngừa, trợ giúp trẻ em không vi phạm pháp luật được hơn 10 buổi cho gần 1.000 lượt người; tuyên truyền qua loa truyền thanh tại 13/13 thôn cho gần 100.000 lượt người. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc phức tạp trẻ em vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh hỗ trợ thực hiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt tại cơ sở. Trung tá Đàm Anh Tuấn, Đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đánh giá, mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đã giúp đỡ thêm nhiều trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trở thành những công dân tốt. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu, hướng dẫn, triển khai nhân rộng thêm các mô hình tương tự giúp giảm thiểu các vụ trẻ em mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết