Giàu lên từ vàng xanh

- Xã Trung Sơn (Yên Sơn) là địa phương tiêu biểu về hiệu quả triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC. Nhờ thay đổi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ rừng, trở thành những triệu phú trồng rừng FSC. Người dân ở đây gọi những cánh rừng FSC là “vàng xanh” mang lại no ấm đời đời...

Đổi đời từ FSC

Có thể nói để có được kết quả như ngày hôm nay phải kể đến những nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội xã Trung Sơn trong công tác tuyên truyền, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người trồng rừng. Nhờ công tác tuyên truyền được tổ chức hiệu quả, sâu rộng đến các thôn và từng hộ trồng rừng nên việc triển khai Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2018 - 2021 và chủ trương về thúc đẩy trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC được nhân dân đồng thuận cao. Đồng chí Nhữ Ánh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, người dân ở Trung Sơn đổi đời từ những cánh rừng FSC.

Từ năm 2019, khi xã vận động mạnh mẽ người dân đăng ký giống cây keo mô theo hỗ trợ của Nghị quyết 03, người dân đã đồng loạt đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Hiện nay, toàn xã có trên 3.700 ha đất lâm nghiệp, 100% đất có rừng. Trong đó, diện tích rừng FSC gần 2 nghìn ha, đã cho khai thác 1.500 ha với 365 hộ trồng rừng FSC. Mỗi năm trung bình, toàn xã có từ 30 đến 35 hộ thoát nghèo từ trồng rừng FSC. Từ khi rừng được cấp chứng chỉ, gỗ bán ra thị trường có truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh tìm đến mua gỗ rừng của nhân dân tăng nhanh, đầu ra của gỗ rừng trồng thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Có thu nhập từ trồng rừng FSC, anh Bàn Sinh Huân, thôn Nà Quang, xã Trung Sơn đã đầu tư xây nhà ở mới khang trang.

Ngôi nhà hai tầng của anh Bàn Sinh Huân, dân tộc Dao, thôn Nà Quang vẫn còn thơm mùi sơn mới. Trước đây khi chưa được chuyển đổi trồng rừng thông thường sang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, gia đình anh Huân vẫn ở lưng chừng ngọn núi cao vì không có tiền làm nhà ở trung tâm xã. Được chính quyền xã vận động, thuyết phục, anh Huân đã chuyển 4 ha rừng sang trồng theo tiêu chuẩn FSC. Sau khi được khai thác lần 1, anh thu về gần 400 triệu đồng. Có chút vốn liếng, anh quyết định làm nhà và chuyển gia đình về nơi ở mới gần trung tâm xã đi lại thuận lợi. Về nơi ở mới, ngoài làm ruộng, anh còn làm thêm nghề mộc, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo vào năm 2021. Anh Huân chia sẻ: “Nếu mình không chuyển sang trồng rừng FSC chắc chắn bán rừng không được giá như vậy đâu. Không được giá thì mình cũng không có tiền làm nhà mới”.

Nói đến việc trồng rừng FSC, ông Ma Văn Chuyển, thôn Nà Ho phấn khởi lắm. Ông bảo: “Đúng là trồng rừng FSC làm thay đổi suy nghĩ của tôi về trồng rừng và thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Nếu như trước đây, khi chưa trồng rừng FSC, trung bình tôi chỉ khai thác được 50 đến 60 m3/ha nhưng khi trồng rừng FSC, trung bình tôi khai thác từ 80 - 100 m3/ha. Giá bán cao gấp đôi lần trước đây. Trước chỉ thu lãi từ 60 đến 70 triệu đồng/ ha  thì nay đã thu lãi sau khi trừ chi phí từ 120 triệu đồng - 140 triệu đồng/ha. Tôi trồng toàn bộ rừng FSC bằng giống keo mô do tỉnh hỗ trợ. Có tiền từ khai thác rừng FSC, công to việc lớn gia đình tôi đều có tiền dự trữ để trang trải, cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn”. Gia đình ông Chuyển có 5 ha rừng thì đã chuyển đổi 3 ha sang trồng rừng FSC, bình quân mỗi chu kỳ khai thác diện tích rừng FSC, ông Chuyển thu về 300 triệu đồng.

Rừng 3 năm tuổi được trồng theo tiêu chuẩn FSC của gia đình ông Ma Văn Chuyển, thôn Nà Ho, xã Trung Sơn.

Giải quyết việc làm 

Rừng ở Trung Sơn không chỉ mang lại no ấm cho người trồng rừng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 400 đến 500 lao động tại địa phương. Trung Sơn hiện có 7 hợp tác xã, trong đó có 3 hợp tác xã kinh doanh, sản xuất và chế biến lâm sản. Ngoài ra còn có 20 xưởng chế biến gỗ bóc. Trên địa bàn xã hiện có nhiều công ty, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và chế biến gỗ bóc.

Anh Vàng Văn Hiền, dân tộc Nùng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ Hiền Giang, thôn Nà Ho cho biết, nhận thấy Trung Sơn là mảnh đất tiềm năng để sản xuất, chế biến gỗ vì đa số nhân dân đã chuyển sang trồng rừng FSC nên năm 2021, anh Hiền đã đầu tư mở hợp tác xã sản xuất, chế biến gỗ. Hiện nay, hợp tác xã có 6 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Ánh Sáng, nếu như trước kia, người dân trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh thì nay, số lao động được giải quyết việc làm tại địa phương tăng lên đáng kể. Một gia đình có hai lao động làm việc tại các cơ sở, hợp tác xã chế biến, sản xuất gỗ trong xã cũng có thu nhập ổn định từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Người dân vừa có việc làm tại chỗ lại vừa có điều kiện chăm sóc con cái, sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống cũng dần ổn định.

Lao động tại địa phương có thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng tại các cơ sở sản xuất,
 chế biến gỗ bóc trên địa bàn xã.

Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, xã Trung Sơn đang định hướng và vận động nhân dân chuyển mạnh sang trồng cây gỗ lớn. Hiện nay toàn xã có 10 ha rừng cây gỗ lớn, hết năm 2023, xã phấn đấu nâng diện tích này lên 20 ha. Cùng với đó, chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và chế biến gỗ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nâng cao chất lượng giống rừng trồng, phấn đấu đưa Trung Sơn trở thành vùng nguyên liệu về gỗ rừng FSC lớn nhất của huyện, tỉnh.

Rừng ở Trung Sơn đang mang lại giá trị kinh tế cao, làm đổi thay đời sống của người dân tộc thiểu số nơi đây. Điều đó khẳng định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Trung Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đúng hướng.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục