20 năm một làng nghề
Từ trên cao nhìn xuống, bãi bồi soi Sính như viên ngọc xanh được bao bọc và nuôi dưỡng bởi dòng Lô. Theo chân đồng chí cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi đến thăm những hộ đầu tiên nuôi tằm bên bờ Soi Sính. Được biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm bắt đầu manh nha ở Tân Long từ những năm 1996 - 1997 nhưng chủ yếu tập trung ở thôn 10. Nguồn đất phù sa màu mỡ ở bãi bồi bên dòng Lô cùng với khí hậu phù hợp đã tạo môi trường thuận lợi để cây dâu tằm sinh trưởng tốt, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào để phát triển nghề nuôi tằm.
Gia đình ông Hoàng Văn Kỷ là một trong những hộ đầu tiên thử nghiệm trồng dâu, nuôi tằm bên soi Sính. Nhấp một ngụm trà nóng hổi, đôi mắt ông sáng lên khi kể về những ngày đầu đưa cây dâu tằm xuống đất này. Ông bảo khoảng 10 năm trước, nuôi tằm vất vả lắm vì bà con phải đi lại nhiều. Trứng tằm thì phải lặn lội về tận Lập Thạch (Vĩnh Phúc) để mua. Công đoạn nuôi cũng phức tạp hơn khi phải chăm chút từ khi ấp trứng đến khi tằm nở thành con non. Dù gia đình có việc bận đến mấy thì lúc nào cũng phải có người kè kè bên nong tằm, sơ sảy là hỏng cả mẻ. Giờ đây, 20 sào trồng dâu của gia đình ông Kỷ đa phần là loại dâu tằm giống mới cho năng suất cao. Thay vì phải ấp trứng như trước thì giờ những giống tằm được các thương lái ở Văn Chấn (Yên Bái) mang sang tận nơi. Ông bảo, trồng dâu, nuôi tằm vì thế cũng đỡ nhọc nhằn hơn.
Nhà tằm để nuôi tằm trong thời kỳ ăn rỗi, nếu tằm khỏe, bước vào nhà tằm sẽ có mùi thơm mộc mạc của dâu.
Bà Nguyễn Thị Hoa là người gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi tằm. Đặt những bao dâu vừa hái trở về, trên trán còn lấm tấm mồ hôi, bà chỉ tay sang bên kia nói, bãi bồi trải dài phù sa, đám dâu tằm trồng ở đây cứ thế lên mơn mởn. Thời điểm tằm ăn rỗi, mỗi ngày vợ chồng ông bà phải đi hái 10 - 12 bao lá dâu. Mùa cạn thì có thể đi xe máy sang soi, nhưng mùa mưa lũ thì cực lắm. Nói rồi, bà liền một mạch giới thiệu về nhà tằm, né tre, né gỗ, tuổi tằm, kén đôi, kén đơn... như đang truyền nghề cho thế hệ sau một cách chuyên nghiệp. Bà bảo: “Con tằm rút ruột nhả tơ, mình cũng hết lòng hết dạ vì nó thì nó sẽ không phụ công mình”.
Đến nay, nhiều hộ gia đình trong thôn như gia đình bà Hoa, ông Thanh, ông Kỷ, ông Vượng… đều là những hộ thu nhập khá dựa vào nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trung bình mỗi tháng từ 2 - 3 lứa tằm đạt sản lượng 70 - 100 kg kén sẽ cho thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng. Dù thu nhập khá, thế nhưng những người nuôi tằm nơi đây vẫn chất chứa trong lòng nhiều trăn trở…
Xây dựng vùng chuyên canh
Một thời, trồng dâu, nuôi tằm ở thôn 10, xã Tân Long trở thành nghề thịnh vượng với hơn 40 hộ tham gia. Thế nhưng do giá cả thị trường bấp bênh, lại chưa làm chủ được kỹ thuật, chất lượng kén không đồng đều khiến giá sản phẩm sụt giảm, nhiều hộ không thể trụ vững.
Tôi theo chân bà Nguyễn Thị Liên lội bì bõm dưới bãi dâu tằm bị ngập nước. Bà bảo: “So với trồng lúa, trồng ngô thì trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt, giống tằm trắng lưỡng hệ mới đang được các hộ nuôi giá trị kinh tế cao hơn tằm vàng ngày xưa nên gia đình thu nhập ổn định hơn xưa. Nếu có thể mở rộng được nghề thì chắc chắn nhiều hộ sẽ vươn lên xóa đói, giảm nghèo”.
Hàng ngày bà con nuôi tằm phải qua bãi soi để hái dâu cho tằm ăn.
Dự án chăn nuôi tằm theo hướng sản xuất hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Tân Long với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng được triển khai đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trồng dâu, nuôi tằm nơi đây. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ nuôi tằm đã được đi tham quan, học tập kỹ thuật, được hỗ trợ cây giống, phân bón, con giống, vật tư… Anh Trần Ngọc Vinh, cán bộ khuyến nông xã cho biết, so với 3 năm trước, diện tích trồng dâu tằm đã được mở rộng từ 8 ha lên 21,5 ha. Bà con cũng được tiếp cận với giống cây dâu mới, giống tằm mới, học các kỹ thuật đốn dâu, công nghệ nuôi tằm hai giai đoạn… Nhờ đó, nghề nuôi tằm ngày một phát triển.
Kén tằm được kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bên trong nhà tằm đang thì ăn rỗi, ông Hoàng Văn Kỷ phấn khởi vì mình đã chọn gắn bó với nghề này. Ông bảo, cái máy giặt kia, chiếc xe máy mới đều từ nhà tằm mà ra… Nhiều lúc nghề này khó thật vì đầu ra không ổn định, nhưng ông quyết bám lấy nghề mà sống. Và rồi, nghề đã cho ông sự sống. Ông Kỷ bảo, thời gian tới, nếu thành lập được vùng chuyên canh tập trung, mở rộng diện tích trồng dâu thì chất lượng nguồn thức ăn cho tằm sẽ được cải thiện. Có như vậy tằm mới khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, bà con yên tâm phát triển nghề.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND xã Tân Long đã có chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh trồng dâu tập trung. Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long nói, nhiều chính sách hỗ trợ bà con cũng được triển khai đồng bộ như cho vay vốn phát triển sản xuất; cung ứng nguồn giống chất lượng; thành lập các hội, nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế. UBND xã cũng khuyến khích bà con trên địa bàn thôn, xã chuyển đổi đất ruộng hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển trồng dâu, nuôi tằm… Cùng với việc mở rộng diện tích canh tác, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, chính quyền xã cũng chủ trương thành lập hợp tác xã, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó giúp giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho bà con nông dân.
Hơn 20 ha bãi bồi soi Sính được phủ màu xanh thẫm của dâu. Dẫu biết còn nhiều thăng trầm, nhưng có màu xanh là có sự sống, bà con ở đây giữ niềm tin như vậy.
Gửi phản hồi
In bài viết