Tỉnh Tuyên Quang cũng không ngoại lệ.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã được HĐND tỉnh cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND, sau này là Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND sửa đổi, quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau Đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Sau Nghị quyết, giai đoạn 2021-2024, đã có 331 người được hưởng lợi. Trong đó, 232 người được hưởng chính sách thu hút nguồn nhân lực; 97 người được hỗ trợ đào tạo sau đại học; 2 viên chức được hỗ trợ nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong số này có 153 người là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, việc giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang khiến nhiều đơn vị chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu.
Làm việc với lãnh đạo một trường Đại học trên địa bàn tỉnh, mới thấy nỗi lo “chảy máu chất xám” đang thực sự hiện diện. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị này thu hút được 1 Tiến sĩ theo Nghị quyết 12, nhưng cùng khoảng thời gian này, có 9 tiến sĩ và 1 chuyên khoa 2 chuyển việc về các cơ quan trung ương hoặc ra khối tư nhân.
Đặc biệt, khối ngành Y dược đang rất khó khăn trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao. Những giảng viên có trình độ, chuyên môn Tiến sĩ, Thạc sĩ chuyên khoa 2, chỉ một thời gian ngắn khi về trường, đều xin nghỉ việc và chuyển ra làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Theo Đề án vị trí việc làm, Khoa có 23 giảng viên, nhưng hiện tại mới chỉ có 10 người, trong đó phần lớn là giảng viên từ các bộ môn cơ sở đến giảng dạy, giảng viên đúng chuyên ngành là rất ít.
Để thu hút thêm giảng viên chất lượng, có chuyên môn Y dược, trường này chủ trương thu hút người có trình độ từ Thạc sĩ, thay vì từ Tiến sĩ như quy định. Thế nhưng, đến thời điểm này, kết quả vẫn là… 0. Trường đang đề nghị được tiếp nhận 1 Tiến sĩ khối ngành Y dược về khoa, nhưng vẫn “phập phồng” với việc giữ được chân tiến sĩ ở lại trường lâu dài.
Theo số liệu từ Sở Nội vụ, từ tháng 1-2022 đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 127 công chức, viên chức xin nghỉ việc. Nguyên nhân công chức, viên chức thôi việc được lý giải trong các đơn xin thôi việc là do sức khỏe không đảm bảo; do công tác xa nhà, điều kiện đi lại khó khăn, ít có điều kiện chăm sóc gia đình; gia đình chuyển nơi cư trú. Đáng chú ý, nhiều cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc do chế độ tiền lương chưa phù hợp, mức thu nhập không đáp ứng được với nhu cầu thiết yếu cuộc sống; khối lượng công việc cường độ cao, áp lực, kiêm nhiệm nhiều công việc, nhưng chính sách đãi ngộ chưa tương xứng và do muốn thay đổi công việc, thử sức mình trong các lĩnh vực mới.
Năm 2023, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đương nhiên, một chiến lược quốc gia là để hướng tới lâu dài, chưa thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Nhưng muốn có nguồn lực nhân tài được thu hút, trọng dụng cho tương lai, phải có giải pháp thực hiện từ sớm. Như "mách nước" của PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore): Để giữ chân người tài trong bộ máy công chức, cần phải giải bài toán cân bằng của 3 yếu tố, bao gồm: lương, cơ hội thăng tiến, học hỏi và các chính sách an sinh.
Điều này không phải không có. Quay trở lại Trường Đại học trên, những Tiến sĩ sau khi được thu hút sẽ được ưu tiên bổ nhiệm, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý. Ngoài chế độ lương, được hưởng thêm 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người đi vẫn đi, và người đến… vẫn chưa thấy, vì con số 1,5 triệu đồng/tháng, nếu so với mức thu nhập từ bên ngoài, vẫn là một con số “bên trời bên vực”.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 179 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây được xem là “cú huých”, là đòn bẩy về chế độ đãi ngộ, tiền lương… để kéo được người tài về khối cơ quan nhà nước.
Ngoài câu chuyện tiền lương, cơ hội thăng tiến, học hỏi và các chính sách an sinh, làm sao để rút ngắn “độ vênh” giữa những cử nhân “bằng đỏ” khi bắt tay vào công việc, theo các chuyên gia, cần sự hỗ trợ rất lớn từ người sử dụng. Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, nhưng cũng phải xây dựng sẵn lộ trình đào tạo, sử dụng, rèn luyện, làm sao để biến một viên ngọc thô thành viên ngọc sáng, mới là dụng nhân hiệu quả!
Gửi phản hồi
In bài viết