Theo tìm hiểu, mỗi kỹ sư công nghệ giỏi đang làm việc tại Hàn được trả lương khoảng 60 đến gần 100 triệu Việt Nam đồng, trong khi bảng lương của ta chưa có bậc ấy. Vậy là hoài bão của bạn về những đổi mới sáng tạo trong công việc để chuyển đổi số mạnh mẽ đành gác lại.
Tuần qua, tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, người đứng đầu Đảng ta đã ví Nghị quyết 57 về vấn đề này như “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học công nghệ, qua đó thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.
Ngay sau đó, một diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cũng được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Đến dự và phát biểu tại diễn đàn, người đứng đầu Đảng ta đề nghị hãy cùng nhau biến Diễn đàn năm nay thành một “Quốc lễ công nghệ số” đầy cảm hứng, mở ra những cơ hội mới, những hướng đi đột phá cho các trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng công nghệ số Việt Nam.
Nhìn lại thì thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20 (năm 2012), Nghị quyết 52 (năm 2019), Nghị quyết 36 (năm 2023) đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các nghị quyết trên chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên nhân chính nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Những thông điệp “khoán 10” , “quốc lễ…” được nhắc tới khi triển khai Nghị quyết 57 lần này cho thấy, việc đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang được Đảng và Nhà nước chú trọng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cơ chế quản lý khoa học sẽ tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp ngày trước, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Các nhà khoa học, các nhân lực trình độ cao về công nghệ sẽ được tạo môi trường thuận lợi để đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới.
Nhiều nhà khoa học đã kỳ vọng Nghị quyết 57 như sự giải phóng tư duy khoa học, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới. Nghị quyết 57 cũng là đột phá về nhận thức, quan điểm, coi đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư lâu dài, không phải ngắn hạn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có độ trễ, không phải đầu tư xong là thu hồi vốn được ngay. Đảng ta cũng xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, là để đổi mới lực lượng sản xuất.
Những quan điểm đầu tư cho khoa học công nghệ là bắt buộc, thúc đẩy hợp tác công - tư, hợp tác giữa trường Đại học, viện nghiên cứu công lập với doanh nghiệp; kêu gọi giải phóng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng nghiên cứu phát triển…chính là những bệ đỡ cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số phát triển.
Tôi nghĩ, đó cũng chính là hướng mở để góp phần tháo gỡ nút thắt khi bạn tôi đi nước ngoài “săn đầu người” ba năm trước như câu chuyện kể ở trên.
Cách đây hơn 7 thế kỷ, năm 1824 Thượng Hoàng Trần Thánh Tông chủ trì Hội nghị Diên Hồng mời bô lão cả nước về họp để xin ý kiến nên hòa hay nên đánh giặc Nguyên Mông. Kết quả, tất cả đồng lòng quyết đánh, ta thắng giòn giã, đuổi giặc ngoại xâm chạy tơi bời về nước.
Nay trong Hội trường cũng mang tên Diên Hồng, Đảng ta tổ chức cuộc họp triển khai Nghị quyết 57 trực tiếp và trực tuyến tới hàng trăm điểm cầu, với gần 1 triệu cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, chí sỹ cả nước; lại truyền hình trực tiếp trên sóng Đài quốc gia đến toàn thể nhân dân. Tin tưởng trận này cũng sẽ thắng giòn giã.
Nhìn lại lịch sử thì thấy, từ thế kỷ thứ 15, Thân Nhân Trung - vị quan được phong là bậc tôi hiền cái thế dưới hai đời vua Lê đã đúc rút “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Việc trọng dụng nhân tài đã trở thành sách lược quyết định việc thành bại, mạnh yếu của mỗi triều đại.
Kế thừa và phát huy truyền thống ấy lên tầm cao mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng nhân tài hùng hậu, góp phần quan trọng quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước. Người khẳng định, trách nhiệm tìm nhân tài trước hết là của Nhà nước. Nguyên tắc dùng nhân tài là không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân, tránh căn bệnh kiêu ngạo, bè phái, tư túng cá nhân. Việc ưa ai thì dùng, ghét ai thì loại sẽ làm Đảng bớt mất nhân tài. Người nêu chân lý: Sự bộc lộ tài năng của nhân tài không chỉ phụ thuộc vào bản thân họ mà phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng họ. Vì thế, khéo dùng nhân tài là bổn phận của người lãnh đạo.
Với lòng tin khoa học vào con người, ngày 29/5/1946, trước khi đi Pháp, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 82/SL để trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng chỉ với lời nhắn nhủ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thực tế cho thấy, những ai được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin dùng đều hoàn toàn xứng đáng với niềm tin ấy.
Chính vì vậy, Chính phủ lâm thời ra đời ngày 28/8/1945 có 15 người thì chỉ 6 người thuộc Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, một số quan lại cao cấp của chính quyền cũ vẫn được trọng dụng như Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau đó là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Phan Kế Toại nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947 - 1963) và Phó Thủ tướng (1955 - 1973). Có thành viên của Nội các Trần Trọng Kim cũng được trọng dụng như ông Phan Anh được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đông đảo các trí thức “Tây học” cũng được sử dụng như Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Khánh Toàn... Trong lần cải tổ Chính phủ vào tháng 11/1946, tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên mới 38 tuổi đã được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Rất tin cậy và trọng dụng các nhân tài trẻ tuổi, trong chuyến đi sang Pháp trở về, Người đã đưa về nước 4 trí thức nổi tiếng là Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh tự nguyện từ bỏ địa vị, bổng lộc, cơ hội thăng tiến và hạnh phúc cá nhân ở chốn phồn hoa để theo Người về nước, chấp nhận mọi gian khổ. Nhà Nông học Lương Định Của, bác sỹ Hồ Đắc Di cũng từ Nhật trở về để tham gia kháng chiến.
Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã giúp các nhân tài “bung nở” tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc.
Hy vọng truyền thống trọng dụng nhân tài cùng với sự đột phá của Đảng về tư duy để xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ tạo nên những nguồn lực mới đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết