Giữ gìn, bảo vệ môi trường nước

- Nước là nguồn tài nguyên quý giá, cần thiết cho hoạt động sống của con người cũng như sinh vật đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, tại một số địa phương môi trường nước đang bị ô nhiễm, dẫn đến suy thoái, cạn kiệt.

Rác tập kết tại khu vực bờ sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng (Sơn Dương) gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Sông Lô đoạn chảy qua xã Quyết Thắng (Sơn Dương) cung cấp nguồn nước chính phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho cả khu vực xã. Tuy nhiên thay vì được bảo vệ, sông lại chính là nơi để người dân nơi đây xả thải rác, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải khó phân hủy, rác thải sinh hoạt, xác động vật chết, bao bì vật tư nông nghiệp, thậm chí là vỏ thuốc bảo vệ thực vật… đều được vứt xuống bờ sông. Theo phản ánh của một hộ dân sống gần khu vực, việc xả rác ra bờ sông diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên từ năm 2024, lượng rác vứt ra bờ sông nhiều hơn do đơn vị thu gom rác thải của xã dừng hoạt động, khiến lượng rác thải hàng ngày không được thu gom, xử lý. Và để sạch nhà các hộ dân mang trút ra bờ sông chờ đến mùa lũ, mực nước dâng cao sẽ cuốn rác đi.

Không riêng gì sông Lô bị đầu độc bởi rác thải, nhiều con suối trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng tương tự, rác thải, chất thải được trút xuống làm thu hẹp dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước mặt.

Hệ thống sông ngòi của tỉnh có vai trò rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ dân số tăng; các hoạt động xây dựng được đẩy mạnh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi phát triển, lượng chất thải, nước thải, khí thải theo đó tăng cao. Trong khi, nhận thức, ý thức bảo vệ, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của một bộ phận tổ chức, cá nhân còn hạn chế.

Để bảo vệ môi trường nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH - UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh... Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước 2023; tổ chức hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch, lập hành lang bảo vệ tài nguyên nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ...

Lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh tham gia làm sạch môi trường nước trên những con sông, suối.

Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ; điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận. Trên cơ sở đó, đánh giá được hiện trạng xả nước thải, biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng xả nước thải và đặc điểm ô nhiễm của các nguồn thải...Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước sông, hồ.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, cần có sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng. Tổ chức, cá nhân cần có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác. Người phát hiện hành vi, hiện tượng gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn và báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để kịp thời xử lý.         

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục