Tóm tắt vụ án, khi dịch Covid-19 bùng phát, các bị cáo đã cấu kết chuyển giao đề tài nghiên cứu kit test của Nhà nước sang Công ty Việt Á. Sau đó được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid-19. Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá 470.000 đồng/kit test. Sau đó, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng. Hành vi của Việt và đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thiệt hại hơn 402 tỷ đồng tại 19 tỉnh, thành phố khi mua kit test đã bị nâng khống giá.
Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: Chu Dũng.
Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ tổng cộng hơn 106 tỷ đồng cho các cựu quan chức. Trong đó, Phan Quốc Việt đã đưa hối lộ bị cáo Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh 4 tỷ đồng; Nguyễn Minh Tuấn 300.000 USD; Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD; Nguyễn Nam Liên 100.000 USD. Bên cạnh đó, Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; Chu Ngọc Anh (nguyên bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) 200.000 USD; Phạm Công Trạc (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) 50.000 USD.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách, bất bình trong nhân dân. Việc trừng phạt các bị cáo là cần thiết nhưng cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng vì các bị cáo thực hiện hành vi trong hoàn cảnh cấp bách phòng, chống dịch.
Đối với nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bị cáo biết rõ kit test Covid-19 là đề tài Nhà nước nhưng vẫn chỉ đạo, góp phần biến đề tài Nhà nước thành của Việt Á. Bị cáo nhiều lần nhận hối lộ tổng cộng 2,25 triệu USD nhưng bị cáo Long cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như: Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân bị cáo Nguyễn Thanh Long là Giáo sư đã thúc đẩy việc hợp tác giữa ngành Y tế Việt Nam và thế giới.
Trước phiên phúc thẩm, bị cáo tiếp tục tác động gia đình để nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng, trước đó bị cáo Long đã nộp lại 100% số tiền nhận hối lộ. Do đó, có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo. Căn cứ vào đó, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Long 17 năm tù về tội "Nhận hối lộ" (án sơ thẩm 18 năm tù).
Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định bác kháng cáo, y án sơ thẩm đối với các bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (án sơ thẩm 29 năm tù về 2 tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ"); Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á (án sơ thẩm 15 năm tù về hai tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ"); Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á (án sơ thẩm 30 tháng tù về tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng").
Đồng thời cũng chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Nguyễn Nam Liên, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế (án sơ thẩm 7 năm, án phúc thẩm 6 năm 3 tháng về tội "Nhận hối lộ"); Phạm Duy Tuyến, nguyên Giám đốc CDC Hải Dương (án sơ thẩm 13 năm, án phúc thẩm 12 năm); Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên nhân viên CDC tỉnh Bình Dương (án sơ thẩm 24 tháng tù, án phúc thẩm 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo); Ngụy Thị Hậu, nguyên Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang (án sơ thẩm 30 tháng tù, án phúc thẩm 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo). Ngoài ra tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Trần Thanh Phong, nguyên Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương.
Gửi phản hồi
In bài viết