Niềm tự hào của làng
Từ tấm bia chỉ dẫn đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, bao quanh là rừng đủ các tầng cây. Nắng xuyên qua tán lá, soi bóng những thân cây cao vút xuống mặt nước ở dòng suối phía trước di tích. Khung cảnh nơi đây hữu tình, thơ mộng, không khí trong lành.
Chỉ tay vào hàng phách, ông Lý Văn Dư, hơn 60 tuổi đời nhưng có 30 năm gắn bó với nghề tuần rừng, kiêu hãnh đọc câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” rồi giải thích, rừng phách đổ vàng là lá cây phách chứ hoa phách là màu tím. Ở đây đến mùa hoa phách nở là tím cả vạt rừng. Đẹp lắm! Rừng, cây cổ thụ, Di tích lán Nà Nưa, tất cả đều là niềm tự hào của người làng Tân Lập đấy”.
Rừng - với người dân nơi đây là rừng thiêng. Ông dẫn chúng tôi “mục sở thị” những thân cây to lớn. Rừng đặc dụng ở Tân Lập nguyên sơ, cây dại, dây leo chằng chịt. Đi khoảng chừng nửa tiếng, hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng loạt cây cổ thụ có tuổi đời lên tới vài trăm năm tuổi, có cây phải 6 -7 người ôm.
Ông Lý Văn Dư, thôn Tân Lập (bên trái) nhận trồng và chăm sóc 2 ha cây lát hoa để phủ đất trống
Ông Dư bảo, rừng ở Tân Lập có tới vài chục cây cổ thụ với nhiều loại như chò, cầy, sến, phách tím, lim xẹt vàng... Cây sống lâu năm nên chúng có hình thù kỳ quái, độc đáo hiếm có. “Nhiều cây gỗ có giá trị kinh tế cao, nhưng với người dân, quý hơn cả là khu rừng gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, là di tích cách mạng. Rừng giữ đất, giữ nước, bảo vệ làng trước phong ba bão táp, nên người dân luôn có ý thức giữ rừng”.
Năm 1945, làng Tân Lập được biết đến là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”. Với gần 20 điểm di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống được lưu truyền, ngôi làng là niềm tự hào người dân nơi đây. Trước đây Làng văn hóa Tân Lập còn có tên gọi là Kim Long. Tân Lập có 181 hộ gia đình, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 97%, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ. Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử… Hiện làng có hơn 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng.
Vì niềm tự hào ấy, người dân Tân Lập rất coi trọng việc giữ gìn di tích cách mạng gắn với bảo vệ rừng. Mọi người đều ý thức rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống. Rừng có xanh thì di tích mới vẹn nguyên giá trị, đó cũng là cách để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tỏ lòng tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Sơn Dương cùng với người dân tuần rừng ở Tân Lập.
Giữ báu vật cho đời sau
Rừng đặc dụng Tân Trào có gần 4.000 ha, trong đó có trên 3.100 ha rừng tự nhiên. Anh Đỗ Xuân Toại, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đèo De cho biết, diện tích rừng đặc dụng chủ yếu ở Tân Trào, trong đó thôn Tân Lập có gần 1.000 ha. Ở đó có những cây gù hương, nghiến, lim xẹt vươn cao cả mấy chục mét. Dưới tán rừng là một kho tàng cây thảo dược đồ sộ như giảo cổ lam, sâm cau, đinh lăng, sa nhân và nhiều loại thuốc nam quý.
Anh Bế Xuân Sản, người dân Tân Lập, cũng là hộ dân nhận khoán trông coi, bảo vệ 30 ha rừng đặc dụng Tân Trào cho biết, một tuần anh đi từ hai đến ba ngày vào rừng kiểm tra để đảm bảo rừng không bị xâm hại. Cùng chuyến đi anh khai thác cây thuốc quý dưới tán rừng như sâm cau, hay một vài loại dây leo làm những bài thuốc nam của người Tày để có thêm thu nhập. Nguồn lợi dưới tán rừng đã giúp những người tuần rừng sống tốt hơn chứ tiền trông coi, bảo vệ chỉ có 9 triệu đồng/năm/30 ha.
Cán bộ kiểm lâm Hạt kiểm lâm huyện Sơn Dương và người dân xem bản đồ trước khi tuần rừng đặc dụng ở Tân Lập.
Rừng Tân Lập được bảo vệ nghiêm ngặt nên mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt, sản xuất. Anh Sản chia sẻ, ngày trước cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề. Vậy mà tuyệt nhiên không có ai vào rừng khai thác gỗ đổi cái ăn, hay để dựng nhà. Ngày nay cũng vậy, ý thức giữ rừng của người dân rất rốt. Khi phát hiện một cây gỗ khô cũng báo cho thôn, xã biết. Việc bảo vệ rừng còn được xem là hình thức thi đua giữa hộ dân. Ở Tân Lập, hương ước của làng về bảo vệ rừng từ trước đến nay vẫn duy trì. Ai chặt cây sẽ bị chính người dân tố giác.
Anh Toại, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Đèo De khẳng định: Vùng đệm rừng đặc dụng Tân Trào không có chuyện đốt nương làm rẫy, công tác cảnh báo cháy rừng được đặt lên hàng đầu nên 12 năm nay chưa xảy ra một vụ cháy nào. Giữ rừng với người dân Tân Lập là tình yêu, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên đều coi đó là việc hiển nhiên cần phải làm. Ai vi phạm sẽ bị chính cộng đồng lên án, sau đó pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh.
Ngoài bảo vệ rừng đặc dụng, người dân Tân Lập còn trồng cây bản địa vào diện tích đồi còn trống và trồng thay thế cây bị chết do quá tuổi, hướng tới mục tiêu làm du lịch sinh thái. Ông Nguyễn Văn Dư đã nhận trồng 2 ha cây lát hoa ở ngay cạnh đường, nay đã 10 năm tuổi. Ông Dư bảo, đồi cây này như báu vật để giành cho thế hệ sau. Cây đã đang phát triển tốt sẽ góp thêm màu xanh ở Tân Lập.
Nhằm phát huy giá trị của rừng đặc dụng Tân Trào cho phát triển kinh tế du lịch, tỉnh đã có chủ trương tiến hành đo đạc, rà soát hiện trạng rừng nguyên sinh đặc dụng trên địa bàn thôn Tân Lập, xã Tân Trào để xây dựng “Rừng cây ơn Bác” với diện tích dự tính khoảng 100 ha. Cán bộ kiểm lâm, người dân địa phương sẽ tiến hành phát dọn, tạo những lối đi tham quan cho khách du lịch, trồng thêm những cây bản địa có phong cảnh đẹp.
Rừng Tân Lập mang dấu ấn lịch sử, là nguồn sống của người dân nên rừng có ý nghĩa vô cùng lớn với người dân. Người dân Tân Lập coi rừng như báu vật, giữ gìn, truyền lại cho thế hệ sau.
Gửi phản hồi
In bài viết