Những rào cản
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định an toàn thực phẩm và môi trường… Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể gồm 65 hợp tác xã, 8 doanh nghiệp, 5 tổ hợp tác và 7 hộ kinh doanh, trong đó có: 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Theo đánh giá, các sản phẩm sau khi được nâng hạng sao đều có sự phát triển cả về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khẳng định được vị thế trên thị trường.
Mặc dù xác định rõ, để khẳng định uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận, gắn sao cần chú trọng đến việc nâng sao cho các sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình nâng hạng sao gặp không ít khó khăn.
HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) giới thiệu sản phẩm OCOP 4 sao cho khách hàng.
Anh Phượng Quý Chu, Giám đốc HTX Đồng Tiến, thôn Tân Lập, xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, sản phẩm chè Shan Khau Mút được công nhận 3 sao OCOP năm 2020. Mặc dù đặt ra mục tiêu nâng hạng lên 4 sao, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, là việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm chè Shan Khau Mút để không lẫn với các sản phẩm chè ở các địa phương khác là không dễ; việc đầu tư tem nhãn, bao bì sản phẩm còn hạn chế; chè thu hoạch theo mùa nên nguồn cung ra thị trường thiếu ổn định, không thường xuyên… Ngoài ra, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử cũng còn hạn chế nên việc nâng hạng sao cho sản phẩm cũng gặp khó khăn.
Quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được sự mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do Hội đồng Trung ương xét, công nhận.
Quả ngọt
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.
Là một cơ sở sản xuất nấm sạch, ông Lưu Văn Khuya, Giám đốc Hợp tác xã Nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên (Sơn Dương) chia sẻ, hợp tác xã được thành lập từ năm 2017, hiện đang có 9 thành viên. Sau nhiều năm thực hiện trồng nấm theo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện 4 không: “không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản, chất kích thích, không dùng nước bẩn”… Đến năm 2020, tham gia Chương trình OCOP sản phẩm nấm sò tươi của hợp tác xã đã được đánh giá, phân hạng 3 sao. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, nấm sò của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm nấm sò tươi còn được người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ... đặt mua. Đây là cơ sở, động lực rất lớn để hợp tác xã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu...
Năm 2021, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 4 sao. Từ thành công này, sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, lượng tiêu thụ sản phẩm tăng nhanh, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc HTX cho biết, sau khi sản phẩm được công nhận tiêu chí sản phẩm OCOP, cơ sở đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, tham gia quảng bá tại các hội chợ, tạo hệ thống liên kết bán hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ, như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... Để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngoài việc thu mua nguyên liệu từ các địa phương, chị cũng khuyến khích, hướng dẫn các hộ dân ở xã trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Để giữ vững và tiếp tục nâng cao hạng sao cho các sản phẩm OCOP đã được phân hạng, đồng chí Lê Hải Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được phân hạng. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm; nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Đồng thời tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP của tỉnh hội nhập quốc tế.
Việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Do vậy, các địa phương cần tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể để giữ vững chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn sao.
Gửi phản hồi
In bài viết