Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tham quan cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung,
tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
17h, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch Tâm Hương trên Đại lộ Tân Trào, tổ 5, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tấp nập người ra vào. Cửa hàng đã trở thành địa chỉ mua sắm tin cậy của người nội trợ có nhu cầu về nông sản sạch, thực phẩm tươi sống. Chị Chẩu Thị Hương, tổ 7, phường Tân Hà chia sẻ, từ khi cửa hàng mở hơn 3 năm nay, chị đều đến đây để mua các loại thực phẩm sạch, an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Tại đây, các sản phẩm được bày bán tại đây có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Giá cũng không chênh lệch là bao so với các sản phẩm bán ngoài chợ truyền thống và được niêm yết trên sản phẩm. Các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ đông lạnh nên chị thấy yên tâm khi mua tại đây và càng yên tâm hơn khi đó là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản do chính người nông dân Tuyên Quang nuôi trồng và chăm sóc.
Thành lập từ tháng 5-2019, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản và thực phẩm sạch Tâm Hương chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và đặc sản vùng miền. Anh Nguyễn Đình Tâm, chủ cửa hàng cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu về nông sản, thực phẩm sạch, anh đã liên kết được với các đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm sạch có uy tín trong và ngoài tỉnh. Hiện cửa hàng đang bày bán và giới thiệu gần 300 mặt hàng, trong đó có nhiều các loại sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn như: trà túi lọc đậu đen xanh lòng (Chiêm Hoá); chè Shan Tuyết Hồng Thái, bún Đà Vị (Na Hang); mật ong Hương rừng của Hợp tác xã Mật ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) đến các mặt hàng tươi sống như: thịt lợn đen, thịt bò, thịt trâu, gà đồi, cá đặc sản, măng khô, các loại rượu và các sản phẩm thảo dược và các loại rau củ...
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng, từ cửa hàng ban đầu, anh đã nhân lên thành 3 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, OCOP tại thành phố Tuyên Quang và thị trấn Na Hang. Trong đó, gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, OCOP huyện Na Hang vừa mới khai trương tại phường Tân Quang (TP Tuyên Qung) đã ký kết bao tiêu 20 sản phẩm của 10 hợp tác xã, doanh nghiệp của huyện Na Hang. Việc kết nối tiêu thụ vừa tạo được nguồn cung thực phẩm ổn định cho hoạt động kinh doanh của cửa hàng, vừa hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất về khâu tiêu thụ sản phẩm. Trung bình 3 cửa hàng của anh tiêu thụ khoảng 200 kg rau, củ, quả và 50-70 kg thịt, cá/ngày.
Người dân lựa chọn thực phẩm an toàn tại Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông sản
và thực phẩm sạch Tâm Hương (TP Tuyên Quang).
Không chỉ ở địa bàn thành phố, mà ở các xã, huyện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cửa hàng nông sản sạch được thành lập. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phú, xã Hoà Phú (Chiêm Hoá) cho biết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng được bán tràn lan trên thị trường khiến những người nội trợ rất lo lắng. Nắm bắt tâm lý này, tháng 8-2021, cửa hàng được khai trương bày bán gần 200 mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hầu hết là sản phẩm OCOP đã có chứng nhận, có sao, được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Tuy giá bán có cao hơn khoảng 5 đến 10% so với chợ dân sinh nhưng các sản phẩm đều được người tiêu dùng đón nhận và yên tâm về chất lượng.
Hiện toàn tỉnh có 15 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Tiêu biểu như cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phú, xã Hoà Phú (Chiêm Hóa); cửa hàng của Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn); Gold Mark (Sơn Dương); Nông sản xanh Sáng Nhung, cửa hàng thực phẩm sạch Thanh Trà (TP Tuyên Quang)…
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, hiện 15 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản sạch đều được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng khi đóng vai trò “cầu nối” đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, kênh phân phối này cũng góp phần hình thành tư duy sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và thúc đẩy người sản xuất đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết