Hiệu quả từ rừng FSC
Là địa phương được cấp chứng chỉ rừng FSC đầu tiên ở huyện Sơn Dương, đến nay xã Tú Thịnh đã có hơn 1.030 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Đồng chí Lương Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, xã chưa có diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ nên việc vận động người dân tham gia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tại các cuộc họp xã, họp thôn, những nguyên tắc sản xuất rừng hiệu quả từ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC luôn được lồng ghép, nhấn mạnh. Đồng thời, xã thực hiện mô hình điểm trồng rừng FSC tại các thôn, nhiều hộ dân đã hiểu hơn về lợi ích khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Từ đó, các hộ gia đình đã hăng hái đăng ký tham gia. Đến nay xã đã có hơn 700 hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, tập trung ở các thôn Tú Tạc, Đồng Hoan, Đa Năng, Cầu Bì. Rừng được cấp chứng chỉ đã và đang giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững với thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Rừng keo hơn 6 năm tuổi của gia đình bà Nguyễn Thị Chanh, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh được cấp chứng chỉ FSC.
Bà Nguyễn Thị Chanh, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh chia sẻ, trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, 2 ha rừng của bà đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán cao hơn rừng thường từ 15 - 20%. Đầu năm 2022, bà Chanh khai thác 0,5 ha rừng trồng FSC, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng, cao gấp đôi trồng rừng theo kiểu truyền thống trước kia. Sau khi thu hoạch, gia đình lại tiếp tục trồng mới theo tiêu chuẩn FSC.
Không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn giúp người dân thay đổi nhận thức để phát triển rừng theo hướng bền vững. Ông Xin Văn Lương ở thôn Khuân Trò, xã Công Đa (Yên Sơn) chia sẻ, trồng rừng FSC là phải làm theo quy chuẩn ngặt nghèo. Môi trường không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có đường vận xuất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ được tập huấn, trung bình 1 ha chỉ trồng 2.500 cây... Thế nhưng khi cây gỗ bán ra thị trường sẽ bán giá cao hơn, bởi gỗ chất lượng đã được qua thẩm định. Do đó, các hộ trồng rừng rất an tâm sản xuất. Đồng thời, thực hiện theo các nguyên tắc trồng rừng để có thêm nhiều diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Gia đình ông hiện có trên 5 ha rừng, trong đó, có 2 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Năm 2020, ông Lương khai thác hơn 2 ha rừng FSC, với sản lượng 150 m3 gỗ, thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha.
Cũng như xã Tú Thịnh, Công Đa, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh thấy được lợi ích của việc trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tăng độ che phủ của rừng, đất được bảo vệ, hạn chế xói mòn rửa trôi, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ chịu chi phí thẩm định cấp chứng chỉ FSC cho các hộ trồng rừng... Vì vậy các địa phương đã tích cực vận động người dân tham gia trồng và chăm sóc theo theo tiêu chuẩn FSC. Hiện toàn tỉnh có gần 36.000 ha rừng được cấp FSC, dự kiến trong năm 2022 có thêm 19.000 ha.
Mục tiêu 90.000 ha rừng FSC
Tuyên Quang có gần 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, trong đó 264.000 ha đất rừng sản xuất, chiếm 62,2%. Để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững, Nghị quyết 36-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh phấn đấu phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000 ha rừng sản xuất; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000 m3… Từ những cơ chế, chính sách, các giải pháp đã được thực hiện đồng bộ như quy hoạch, tạo quỹ đất phục vụ trồng rừng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất; khuyến khích người dân thuê khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững... người dân làm giàu từ rừng, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh dần phát triển bền vững.
Người dân thôn Đồng Lợi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) trồng rừng theo tiêu chuẩn, kỹ thuật rừng FSC.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Triệu Đăng Khoa khẳng định cơ chế, chính sách, giải pháp khoa học, hiệu quả, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đang đi theo đúng quỹ đạo và dần khẳng định vị trí đứng đầu toàn quốc trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Số liệu thống kê của ngành, trung bình mỗi năm tỉnh ta trồng mới trên 11.000 ha rừng, đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha rừng đạt 116 triệu đồng/chu kỳ; đến nay có gần 36.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp nên từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các nhóm hộ đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện, để ngoài việc đồng hành về mặt kỹ thuật, nhóm hộ sẽ nhận được sự hỗ trợ về kinh tế để thực hiện việc mời chuyên gia đánh giá. Trong số hơn 19.000 ha sẽ được cấp mới trong năm nay, đều có sự đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã như Woodsland, An Việt Phát, Phú Lâm, Phú Thịnh...
Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ rừng ở tỉnh ta vẫn còn gặp một số khó khăn: quá trình thay đổi nhận thức cho các chủ rừng và người dân trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp còn nhiều hạn chế; diện tích rừng của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ khi tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng chưa mang lại giá trị kinh tế cao, nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia quản lý rừng bền vững…
Do đó, thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết