Nâng cao hiệu quả kinh tế
Do đặc điểm địa hình vùng núi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp đồi gò, thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước tưới, việc sản xuất nông nghiệp, nhất là những diện tích trồng lúa ở một số vùng khó lấy nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi 121,3 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác, trong đó, ruộng 2 vụ 62,6 ha, ruộng 1 vụ 58,7 ha. Đây chủ yếu là diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về nguồn nước tưới tiêu, diện tích này chủ yếu chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho năng suất cao như: dược liệu, ngô sinh khối, rau đậu các loại. Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vùng trồng lạc tại các xã Minh Quang, Phúc Sơn, Thổ Bình, Thượng Lâm (Lâm Bình), vùng trồng cây dược liệu tại xã Hợp Hòa (Sơn Dương), vùng trồng ngô thức ăn gia súc như Yên Nguyên, Hòa Phú, Tân Thịnh (Chiêm Hóa), vùng trồng dưa chuột tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn; vùng trồng cây ăn quả ở huyện Hàm Yên…
Người dân xã Minh Thanh (Sơn Dương) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.
Những ngày này người dân tại một số xã của huyện Chiêm Hóa đang thu hoạch diện tích dưa chuột của vụ mùa. Ông Hà Phúc Sỹ, thôn Quang Minh, xã Tân Thịnh cho biết, vụ đông năm 2021 gia đình ông chuyển 600 m2 ruộng 2 vụ lúa sang trồng dưa chuột. Gia đình được phía đơn vị thu mua cung ứng từ giống, phân bón theo hình thức trả chậm. Vụ dưa đầu tiên trong 45 ngày gia đình ông thu được hơn 5 tấn quả, thương lái đến tận nơi thu mua, bán với giá bình quân 3.000 đồng/kg, gia đình thu lãi hơn 10 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, vụ mùa này gia đình tiếp tục trồng dưa trên toàn bộ diện tích, hiện diện tích dưa của gia đình bước vào ngày thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày gia đình ông thu hái 600 kg quả, bán với giá 7.000đồng/ kg. Theo ông Sỹ, trồng dưa đem lại hiệu quả kinh tế gấp 7 lần trồng lúa.
Không chỉ gia đình ông Sỹ, vụ mùa này toàn xã có 3 ha đất ruộng đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Chị Hà Thị Nở, nhân viên khuyến nông xã Tân Thịnh cho biết, năm 2021 đến nay người dân tại một số thôn trên địa bàn xã liên kết với một số HTX, công ty trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm dưa chuột, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Thay vì trồng 2 vụ lúa 1 vụ màu như trước, nay người dân đã chuyển đổi trồng 2 vụ màu 1 vụ lúa. Thời gian tới, xã phối hợp với các phòng, ban của huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn lựa chọn các giống cây trồng phù hợp nhằm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.
Với vị trí địa lý thuận lợi giáp ranh các tỉnh có nền nông nghiệp phát triển như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, huyện Sơn Dương là một trong những huyện tích cực chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng các cây khác. Năm 2021, huyện chuyển đổi gần 20 ha đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, cà chua, dưa lê, dưa bở, ngô sinh khối, măng tây, gai xanh…, giá trị thu nhập của các vùng chuyển đổi đều đạt trung bình từ 300 - 800 triệu đồng/ha, gấp 5 - 7 lần cấy lúa, từ đó hình thành các vùng trồng rau màu như xã Đại Phú, Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế, Hợp Hòa, Tân Trào, Minh Thanh…
Người dân xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) thu nhập khá từ trồng dưa chuột trên đất ruộng.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, công tác chuyển đổi đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Việc chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang cây rau màu, cây ăn quả cho giá trị cao và khai thác tối đa nguồn lực từ đất.
Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, dù mang lại hiệu quả rõ rệt, song việc chuyển đổi đất lúa trên địa bàn tỉnh cũng có không ít vấn đề đặt ra như: ruộng đất manh mún, quy hoạch chưa hợp lý, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn... Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ. Mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa được gắn kết, cụ thể, vẫn còn một số người dân thấy lợi trước mắt mà phá vỡ mối liên kết; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp cần tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng kết cấu hạ tầng, thương hiệu nông sản chủ lực từng địa phương để phát huy giá trị. Các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đồng thời, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản.
Để thúc đẩy chuyển đổi đất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời tăng cường giới thiệu, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm để ngành nông nghiệp tỉnh có những bước chuyển bền vững và hiệu quả hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết