Những con số biết nói
Ngay từ đầu năm, không khí làm việc khẩn trương đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quyết liệt thực hiện. Kết quả thu được cũng là minh chứng cho tinh thần, quyết tâm của tỉnh, của các ngành, địa phương.
Quý I, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 2/14 các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, 1/11 các tỉnh miền núi phía Bắc và xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, quý II, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,84% và duy trì vị trí thứ 9 trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh có tăng trưởng ấn tượng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 5 tháng qua ước đạt 9.332,3 tỷ đồng, đạt 39,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 24,7% so với kỳ báo cáo trước. Một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: đường kính, giấy xuất khẩu, giày da; xi măng, gỗ tinh chế... Theo lãnh đạo Sở Công thương, kết quả này có được là nhờ việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp nhất là các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, sản phẩm đạt thấp phát huy tối đa năng lực sản xuất, phấn đấu đạt và vượt mức tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch chia theo từng tháng, quý đã đề ra. Đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp về lao động, cung cấp điện, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều dự án công nghiệp cũng được tỉnh và các ngành, địa phương đôn đốc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thủy điện, điện sinh khối… triển khai thực hiện đúng tiến độ, đưa vào sản xuất.
Các địa phương tập trung gieo trồng vụ xuân đúng khung thời vụ. Theo đó, diện tích gieo cấy lúa 18.419,5 ha, đạt 101,8% kế hoạch; cây ngô lấy hạt 8.261,6 ha, đạt 102,7% kế hoạch; tiếp tục chăm sóc 3.629,9 ha cây cam, chè, bưởi theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2024, đến giữa tháng 5, toàn tỉnh đã trồng được 6.414,1 ha. Sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 505 tấn, 5 tháng đầu năm 2024 đạt 6.200 tấn, bằng 43,1% kế hoạch, tăng 21,7% so với kỳ báo cáo trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu bán buôn ước đạt 16.081 tỷ đồng, bằng 45,9% kế hoạch, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Với thành công của sự kiện Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và lợi thế du lịch tâm linh những tháng đầu năm, du lịch tỉnh 5 tháng qua là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh. 5 tháng qua, tỉnh thu hút được 1.487.500 lượt khách du lịch đạt 54% kế hoạch năm, doanh thu đạt 1.701 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh để triển khai thực hiện dự án; giải quyết kịp thời thủ tục hành chính về đầu tư ngoài ngân sách. Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 122 doanh nghiệp, đạt 34,37% kế hoạch, tăng 41,86% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký trên 767,073 tỷ đồng.
Quyết tâm hoàn thành mức tăng trưởng trên 9%
Năm 2024, tỉnh phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9%; GRDP đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,7%; thu hút trên 2,7 triệu lượt du khách; thu ngân sách trên 3.860 tỷ đồng...
Xác định khối lượng công việc 6 tháng cuối năm còn rất lớn, tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên cho tăng trưởng, nhất là 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 15 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ưu tiên lớn nhất của tỉnh là huy động các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tiếp tục quyết liệt đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách và chú trọng xây hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Những tháng cuối năm, Tuyên Quang tập trung cho các sản phẩm du lịch mùa thu và mùa đông, trong đó, ngành du lịch và các địa phương tập trung cho Lễ hội Trung thu lễ hội lớn nhất Tuyên Quang dịp cuối năm, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 theo mục tiêu phân bổ các nguồn lực hợp lý để phát triển theo mục tiêu, định hướng đã đặt ra.
Gửi phản hồi
In bài viết