Vẫn nhiều vướng mắc
Cấp giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) là chứng thực có giá trị pháp lý, xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất về quyền hạn, nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai. Đồng thời, là căn cứ để chính quyền xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất, rà soát, theo dõi sự biến động về đất. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ còn là một tiền đề quan trọng để làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư có thu hồi đất.
Từ tầm quan trọng của việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tìm mọi giải pháp đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 4-2023, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% khối lượng kê khai, đăng ký đất đai với 164.386 tổ chức, hộ gia đình cá nhân. Kết quả, đến tháng 3-2023, toàn tỉnh đã cấp được 538.969 giấy chứng nhận với diện tích 263.510,36 ha diện tích cần cấp, đạt 94,1%. Trong đó, đối với tổ chức đã cấp 6.195 giấy chứng nhận với diện tích 89.076,01 ha, đạt 99,8%. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã cấp 532.774 giấy chứng nhận với diện tích 174.434,34 ha diện tích cần cấp, đạt 91,4%.
Một góc trung tâm huyện Yên Sơn phát triển theo quy hoạch đất.
Tỉnh đã triển khai đo đạc, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn. Cấp 16.765 giấy chứng nhận lần đầu với tổng diện tích trên 4.383 ha cho các hộ gia đình cá nhân đối với diện tích đất có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp, công ty chè trả lại cho địa phương.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Toàn tỉnh còn 96 xã, phường, thị trấn chưa có kinh phí để đo đạc địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu còn trên 16.624 ha, tương đương 5,9% diện tích cần cấp. Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ có nguồn gốc từ nông, lâm trường trả lại cho địa phương còn chậm. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa kịp thời...
Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật đất đai liên tục thay đổi về quy định, trình tự, thủ tục; tài liệu điều tra cơ bản về đất đai còn thiếu, chất lượng kém, diện tích chưa được đo đạc lớn; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai chưa được hoàn thiện; lực lượng thực thi công vụ về lĩnh vực này còn thiếu, nguồn vốn đầu tư thực hiện hạn chế...
Nhiều giải pháp gỡ khó
Mới đây, Chính phủ đã có Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3-4-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, từ ngày 20-5-2023, Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với một số trường hợp cụ thể. Theo Nghị định, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân vẫn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và huyện. Văn phòng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với các trường hợp đăng ký biến động về đất đai; đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Quy định mới tiếp tục là một bước cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong thực hiện thủ tục về quyền sử dụng liên quan đất đai.
Trong kỳ họp tháng 4-2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát các tồn tại, vướng mắc với phương châm “mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng ở ngành nào tháo gỡ ở ngành đó” trong công tác triển khai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng loại đất.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Dương kiểm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu của hộ gia đình.
Huyện Sơn Dương là huyện duy nhất của tỉnh hỗ trợ người dân đo đạc lại đất đai biến động sau hiến đất. Đồng chí Trần Đức Hạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Từ 2018 đến nay, trên địa bàn huyện xây dựng, cải tạo gần 70 km đường tỉnh lộ, huyện lộ, 15 km đường liên xã, xây dựng mới 13 nhà văn hóa thôn với tổng số 2.500 hộ dân hiến 14,6 ha tại 22 xã, thị trấn. UBND huyện đã chủ động báo cáo tỉnh UBND tỉnh và bố trí kinh phí trích từ 10% nguồn thu cấp quyền sử dụng đất năm 2021, 2022. Theo đó, năm 2022 huyện đã bố trí 2,4 tỷ đồng trên địa bàn huyện để đo đạc chỉnh lý và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân. Đến nay các hộ hiến đất đã được đo đạc thực địa xong, đang thực hiện kê khai đăng ký để làm giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.
Huyện đang tiếp tục đề nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ nguồn thu cấp QSDĐ phân bổ cho huyện để phục vụ công tác đo đạc đối với những biến động đất sau đầu tư các công trình.
Giải quyết những khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu hoàn thành công tác đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thành cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu đối với diện tích đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, Sở tiếp tục rà soát các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; kiện toàn bộ máy đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện để các đơn vị ngoài công lập đủ điều kiện tham gia vào một số công đoạn trong công tác lập hồ sơ liên quan đến cấp giấy chứng nhận QSDĐ; điều chỉnh dự án tổng thể về đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số ngành tài nguyên, đảm bảo hệ thống thông tin được xây dựng thống nhất, đồng bộ, phục vụ tốt người dân.
Từ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ Chính phủ, UBND tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường, các huyện, thành phố trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu, cấp đổi, điều chỉnh sẽ nhanh chóng được giải quyết, đem lại thuận lợi cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết