Công nhân thi công các hạng mục tại một công trình giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Kinh tế Việt Nam đang có xu hướng tích cực hơn những tháng cuối năm nhưng khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong thời gian ngắn do phụ thuộc vào diễn biến kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp phù hợp với tình hình mới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tận dụng mọi cơ hội phục hồi nhanh tăng trưởng.
Đột phá từ Tổ công tác đặc biệt
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án. Tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh trực tiếp làm Tổ trưởng, thành viên là các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, đại diện các sở, ngành và có thể mời chuyên gia tham dự khi cần thiết.
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với Tổ công tác là phối hợp giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp,…
Từ cuối tháng 5/2023, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai mô hình tổ công tác theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023. Nội dung này được nhắc lại một lần nữa trong Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy hiệu quả Tổ công tác đặc biệt.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, một số tỉnh, thành phố đã linh hoạt, sáng tạo trong cách làm, phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Thí dụ như, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 5 Tổ chuyên gia gỡ khó trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch; xây dựng, đất đai, môi trường; an ninh, an toàn và lao động bên cạnh tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Theo các chuyên gia kinh tế, cách làm này đã tạo sự chuyển động tích cực trong hệ thống chính quyền các cấp, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào cơ quan quản lý.
Đồng hành với cộng đồng sản xuất, kinh doanh không phải là cách làm mới trên bước đường phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhưng thành lập tổ công tác đặc biệt tại các địa phương là giải pháp lần đầu tiên được vận dụng, phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt nên cũng cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn ngay từ cấp cơ sở, giải quyết thẳng vào các dự án, doanh nghiệp đang gặp khó khăn thông qua các tổ công tác ở địa phương, không để khó khăn tích tụ kéo dài.
Tăng khả năng hấp thụ vốn
Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung bảy tháng đầu năm 2023, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 834.300 nghìn tỷ đồng và 588.900 nghìn lao động đăng ký. Trong các dữ liệu này, chỉ ghi nhận mức tăng trưởng duy nhất ở số lượng doanh nghiệp thành lập mới với mức tăng nhẹ 0,2% so cùng kỳ; số liệu về mức vốn và lao động đăng ký đều giảm lần lượt 17,1% và 5,2%. Đáng lưu ý, bình quân mỗi tháng vẫn có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ đặt ra là cần có các giải pháp hiệu quả để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra những bất cập trong phối hợp chính sách hiện nay: Tổng cục Thuế chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, các cơ quan quản lý chậm giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh đang làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Điều này mâu thuẫn với những nỗ lực của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong mục tiêu kéo giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm chi phí cho cộng đồng sản xuất, kinh doanh và nhà đầu tư.
Cho rằng cần rút ngắn độ trễ chính sách để có tác động nhanh hơn, hiệu quả hơn đến doanh nghiệp và nền kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam kiến nghị với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi hoàn thuế VAT và các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội để có thể cho vay lãi suất thấp và có nguồn vốn mồi bền vững; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.
Mọi quyết sách đều cần phân giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài nghiêm nếu không thực hiện. Bên cạnh đó, cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp; từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những vướng mắc đã và đang được chỉ ra và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng thông qua các giải pháp hỗ trợ khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, nhất là bộ máy thực thi công vụ; triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết