Niềm vui từ sách

- Lũ trẻ nhà tôi không mấy khi chủ động đọc sách. Chúng có thể ngồi cả buổi bên chiếc ti vi, say sưa với đủ mọi chương trình giải trí từ kênh Youtube. Rời tivi, lại đắm đuối với điện thoại. Những cuốn sách trên giá nằm im lìm và buồn bã suốt ngày này qua tháng khác.

Ngày còn nhỏ, cả huyện miền núi quê tôi ngoài thư viện, không có bất kỳ một cửa hàng sách truyện nào. Kỳ nghỉ hè, lũ chúng tôi 5 – 7 đứa đạp xe vài cây số đến thư viện để mượn sách. Những cuốn truyện tranh Đô rê mon, Shin - Cậu bé bút chì; những cuốn truyện thiếu nhi Totochan - Cô bé bên cửa sổ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Dế mèn phiêu lưu ký, Tuổi thơ dữ dội, Đất rừng phương Nam, Búp sen xanh... được người nọ giới thiệu người kia, trở thành món ăn tinh thần độc nhất suốt cả mùa hè ấy. Hôm nào mượn được cuốn sách hay, chúng tôi ngấu nghiến có khi quên cả bữa cơm. Sách gối đầu giường là thứ chúng tôi khoe với nhau sau mỗi kỳ nghỉ hè như một chiến tích cho sự chăm chỉ của mình.

Đến thời sinh viên, sống gần phố sách cũ Phạm Văn Đồng, mấy chị em trong phòng ký túc xá lại trích tiền học bổng mỗi kỳ, bớt lại tiền ăn bố mẹ gửi mỗi tháng để mua sách. Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Những người khốn khổ... được chị em truyền tay nhau, bình luận về những chi tiết, câu chuyện xúc động. Tôi nhớ cô bạn cùng phòng tôi, mỗi lần đọc được cuốn truyện nào hay lại “mồi” cho chúng tôi một đoạn ngắn, để mấy chị em tò mò tìm đọc bằng được. Những cuốn sách thời sinh viên thường xuyên quăn góc, những dòng chữ được gạch chân bằng đủ thứ mực của người đọc trước, người đọc sau... Chúng tôi yêu sách, quý sách không theo kiểu giữ trang sách mới mẻ thơm mùi giấy, mà từ chính những nếp gấp, những dòng mực đánh dấu như vậy.

Tôi vẫn giữ thói quen đặt mua sách từ ngày đi làm. Mỗi tháng 3 cuốn, cho cả mẹ và con. Giá sách gia đình tôi cũng đầy dần. Quà tặng mỗi dịp sinh nhật hay tổng kết năm học cho con cũng được chuyển thành sách. Tôi cho con tìm kiếm cuốn sách mình thích từ điện thoại, rồi đặt mua qua mạng. Hầu hết sách của con từ lúc mua về vẫn nằm nguyên trên giá vì không “cạnh tranh” được với sự sôi động của màn hình ti vi, điện thoại, nhưng tôi không cảm thấy tiếc tiền mua. Tôi luôn nghĩ sớm hay muộn, con trai tôi - một lúc nào đó - cũng sẽ tìm đến sách để giải trí.

Có lần trò chuyện với chị làm ở thư viện của một trường đại học trên địa bàn tỉnh. Chị bảo, học sinh sinh viên giờ lên thư viện ít lắm. Đầu năm, mấy chị em ở thư viện còn bận rộn người ra người vào vì các bạn đến làm thủ tục mượn giáo trình, tài liệu. Sau thì vắng hẳn. Sách mới được bổ sung liên tục, chỗ đọc sách cũng được bố trí lại để yên tĩnh, phù hợp hơn với thị hiếu của các bạn trẻ. Nhưng người đến đọc vẫn ... vắng bóng. 

Số lượng các cửa hàng sách trên địa bàn tỉnh hiện cũng tương đối khiêm tốn. Cả khu vực thành phố, cửa hàng sách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà tìm kiếm khách hàng cũng không phải là đơn giản. Có chị mở một cửa hàng sách nhỏ cũng than, rằng sách văn học, tiểu thuyết, sách khoa học... "ế" từ ngày mở cửa đến giờ - ít nhất cũng đã hơn 3 năm. Cửa hàng chỉ bán được truyện tranh anime cho lũ học sinh cấp 2, cấp 3. 

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong giai đoạn từ 2014 - 2019, mỗi năm người Việt Nam đọc trung bình từ 4,1 quyển sách, doanh thu sách chia theo đầu người của người Việt đạt 2 USD/người/năm (hơn 45.000 đồng). Con số này, nếu so với thời điểm khảo sát năm 2013 đã tăng lên rất nhiều. Khảo sát thời điểm này, trung bình mỗi người Việt Nam đọc 0,8 quyển sách/năm. 

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc đọc sách ngày càng ít lại. Trong đó có việc phủ sóng điện thoại thông minh và sự góp mặt của Internet. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Còn theo số liệu của We are Social, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào Internet, trong đó, 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội. 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày.  

Sau một thời gian gián đoạn vì dịch, mấy hôm nay, thông tin về ngày hội đọc sách ở các trường, các địa phương... tràn ngập trên mạng xã hội. Tôi cho cậu con trai lớn xem hình ảnh những bạn học sinh tiểu học, THCS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa cuốn vào những chiếc xe lưu động chở sách của Thư viện tỉnh, có bạn nằm bò trên bãi cỏ ở sân trường để kịp đọc hết cuốn sách hay trước khi chuyến xe trở về thành phố. Tôi thấy cậu bé có vẻ ngượng ngùng... Hôm trước, cậu cầm Dế mèn phiêu lưu ký và rủ tôi cùng đọc trước giờ đi ngủ. Cậu đặt mục tiêu, năm nay sẽ đọc hết ít nhất 5 quyển sách và  có vẻ rất nghiêm túc thực hiện quyết tâm ấy. Không còn là 30 phút trước khi đi ngủ nữa, mà bất cứ thời gian trống nào trong ngày, cậu cũng tiện tay giở cuốn sách đang đọc dở.

Chỉ khi tìm được niềm vui từ sách, chúng ta mới chủ động tìm đến sách vở, thay vì gắn mình với Smartphone như lâu nay. 

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục