Bạn tôi kể, thời điểm quyết định mua đất, hai vợ chồng có trong tay vỏn vẹn 30 triệu đồng. Số tiền gần 400 triệu đồng còn lại vay ngân hàng. Mua đất xong, ba mẹ con thuê nhà ở, con nhỏ, chồng ở xa, cứ cảnh nay chuyển nơi này, mai lại chuyển nơi khác cảm thấy không đành, lại quyết định vay mượn thêm gần 500 triệu đồng nữa để xây nhà. Bấm bụng động viên nhau, còn trẻ, còn kiếm được tiền để trả nợ... Nhưng được hơn 5 năm thì hai vợ chồng “kiệt sức”. Chồng ở quê vừa đi dạy học, vừa làm thêm nghề khung nhôm cửa kính để trả nợ ngân hàng, bạn tôi ở thành phố cũng vừa dạy học, vừa bán hàng Online để nuôi con. Thời điểm đầu, cơ bản ổn định. Nhưng 2 đứa con ngày một lớn, nhu cầu về học tập, vui chơi giải trí đều tăng hơn rất nhiều so với thời điểm đầu, nên cảm giác “cắt” đi của con khoản gì cũng đều cảm thấy có lỗi.
Đám bạn từ quê về thành phố lập nghiệp như chúng tôi, chỉ số ít có bố mẹ hai bên hỗ trợ tiền mua đất xây nhà, còn lại nhà cửa, xe cộ... đều vay mượn ngân hàng để làm. Chúng tôi vẫn động viên vui nhau rằng, còn sức thì còn trả được nợ. Nhưng cũng nhiều lúc, gánh nặng tiền bạc khiến cuộc sống vợ chồng, con cái không mấy êm đềm.
Như bạn tôi, lần trước gặp nhau ở buổi họp lớp đã thở phào mà rằng, bán được nhà, trả hết nợ, cảm giác như mình trẻ ra cả chục tuổi. Giờ cứ tạm thời ở nhà thuê, chờ bao giờ tỉnh có nhà ở xã hội thì... tính tiếp.
Thời gian này, truyền thông nhắc nhiều đến câu chuyện nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Và hầu hết, các câu chuyện đều khá bế tắc. Số lượng nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo ra chỗ dựa cho những cặp vợ chồng công nhân viên chức, người lao động “an cư”, hóa ra lại rất khó trở thành hiện thực, vì nhiều nguyên nhân. Thậm chí ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, nhà ở xã hội nhưng giá cũng không chênh lệch so với nhà ở thương mại là bao. Việc mua được một căn nhà ở xã hội cũng phải trải qua đủ các thủ tục, trình tự mà nhiều người kêu rằng “khó như hái sao trên trời”.
Trong quá trình đô thị hóa, số lượng người đổ về thành phố ngày một nhiều. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng ngày một tăng... Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp – khoảng chục năm trước còn là câu chuyện khá xa lạ với người dân thành phố này, thì giờ đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trước nhu cầu này, trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025, Tuyên Quang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 783 căn nhà ở xã hội. Trong đó, năm 2021 là 157 căn. Đây cũng là số căn nhà được đều đặn xây dựng ở những năm tiếp theo. Thế nhưng, đến thời điểm này, vẫn chưa có dự án nào trong số này được triển khai.
Mỗi ngày lên mạng xã hội, tôi đọc không ít những dòng rao vặt tìm thuê nhà cho gia đình 2-3-4, thậm chí 5 người ở của những cặp vợ chồng trẻ. Trước khi những dự án nhà ở xã hội được xây dựng, thì giải pháp đón đầu là những khu chung cư mini do dân tự xây, là những ngôi nhà cấp bốn, phòng trọ hay may mắn hơn là những ngôi nhà 2-3 tầng mà chủ nhà không có nhu cầu sử dụng nữa...
“Có an cư mới lạc nghiệp”, với những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp hiện nay của tỉnh, hi vọng giấc mơ có nhà của bạn tôi, cũng như của rất nhiều người có thu nhập thấp sớm trở thành hiện thực.
Gửi phản hồi
In bài viết