Đột phá, đổi mới để phát triển

- Công cuộc chuyển đổi số hiện nay là thách thức đồng nghĩa tạo ra cơ hội cho mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nếu biết nắm bắt kịp thời. Nhiều người giờ cảm thấy ngỡ ngàng trước những đổi thay như vũ bão của công nghệ hiện đại. Nếu không nhanh chóng đổi mới tư duy, nhanh chóng tiếp cận với khoa học tiên tiến thì mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi lĩnh vực sẽ mặc nhiên bị lạc hậu, thụt lùi và mãi đi sau.

Nói về đổi mới, đột phá thì không thể không nhắc đến một vĩ nhân - Hồ Chí Minh. Toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn đổi mới, hội nhập và phát triển. Với ý chí quyết tâm đuổi thực dân Pháp và khát vọng giải phóng, ngay từ thuở thanh niên, Hồ Chí Minh tự thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Con đường của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh là con đường mang cốt cách đổi mới, hội nhập và phát triển, muốn khám phá. Con đường đó ngay từ những ngày đầu đã đem lại cho Nguyễn Tất Thành những nhận thức mới mẻ về người nghèo - kẻ giàu, kẻ áp bức - người bị áp bức, người thiện - người ác. Bác Hồ với tầm nhìn vượt thời gian đã lựa chọn thành công con đường xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia láng giềng của chúng ta đã lựa chọn con đường phát triển bằng những đổi mới, đột phá ngoạn mục. Với diện tích vẻn vẹn 725km vuông, không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn cung cấp nước sạch, không có đất canh tác... nhưng Singapore lại có nền kinh tế phát triển mạnh, tỷ lệ việc làm và tuổi thọ cao hơn nhiều nước lớn. Từ một quốc gia số 0, không được sự hỗ trợ, quốc đảo Sư tử đã trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Khi ông Lý Quang Diệu nhận trọng trách lãnh đạo Singapore - một trong những nước tham nhũng lan tràn nhất, bất ổn chính trị là chuyện cơm bữa. Hàng loạt chương trình, sáng kiến đã được đưa ra nhằm phát triển kinh tế đất nước. Ông thúc đẩy thương mại tự do, phát triển đất nước thành trung tâm công nghệ và hiện đang ở vị trí hàng đầu thế giới về đổi mới và nghiên cứu; đẩy mạnh phát triển du lịch, công nghiệp... Và quan trọng nhất là Singapore tập trung đầu tư nguồn lực con người mới - yếu tố quan trọng nhất để một quốc gia đổi mới.

Nói đến công nghiệp văn hoá là nói đến các lĩnh vực như âm nhạc, truyền hình, phim ảnh, game, xuất bản, hàng thủ công, thời trang... mang lại hiệu quả kinh tế. Khoảng hai thập kỷ gần đây, những sản phẩm văn hoá đại chúng của Hàn Quốc như phim ảnh, âm nhạc đóng vai trò thay đổi tư duy và cách đánh giá của người nước ngoài về Hàn Quốc trước đây - một đất nước nhỏ bé, nghèo tài nguyên, đã từng kiệt quệ về kinh tế sau khi bị chia cắt hai miền Nam-Bắc. Ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đã trở thành ngành mũi nhọn, có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể và cũng đóng vai trò quan trọng trong “ngoại giao nhân dân”.

Hoặc bứt phá vươn lên, hoặc đi chậm lạc hậu chính là sự lựa chọn. Đổi mới, đột phá trước hết là từ nhận thức. Phải thấy trách nhiệm của mình gắn với nhiệm vụ được giao. Với người đứng đầu thì nhận thức là vô cùng quan trọng để chỉ ra đúng người, đúng việc, để làm trước và nêu gương cho cấp dưới. Đột phá, đổi mới thể hiện khát vọng vươn lên, mong muốn thay đổi. Mong muốn cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ trong thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, được tôi rèn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm nêu gương, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TU ngày 20/5/2020 về giao việc đột phá, việc đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. 

Không chỉ cấp tỉnh mới giao việc đột phá cho cán bộ lãnh đạo, hiện nay, nhiều cơ quan cũng đã thực hiện giao việc đột phá, đổi mới cho cán bộ cấp phòng, rồi các phòng giao việc đột phá cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phòng quản lý. Đây là cách làm thiết thực bởi đột phá, đổi mới là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều có khẩu hiệu về đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, công tác. Ai cũng phải luôn nhìn lại mình, thấy cần phải làm gì để bắt kịp thời cuộc, hướng tới tương lai.

Cái làm được của ngày hôm nay không có nghĩa là ngày mai vẫn như vậy. Đổi mới là làm những việc người khác chưa làm, chỉ cần thông minh và sáng tạo. Đột phá là một nấc thang cao hơn nữa, là làm những cái mà người khác thậm chí không dám làm, là bứt phá vươn lên. Sáng tạo của cá nhân được thực hiện bởi sức mạnh của cả tập thể. Đột phá, đổi mới cần huy động, tập hợp được mọi người cùng hưởng ứng, tham gia. Thực tế ở một số địa phương, có những việc rất lâu chưa giải quyết triệt để thì sau khi được giao việc đổi mới, đột phá, cán bộ đã lãnh đạo hoàn thành ngay; có những việc mới, việc khó được thực hiện bằng sự sáng tạo, tâm huyết và quyết tâm của người đứng đầu... Chính vì vậy, đột phá, đổi mới để phát triển và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 

Hoài Yên

Tin cùng chuyên mục