Rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đây là loại rác để lại hậu quả lâu dài nhất, bởi chúng dễ sản xuất, giá thành rẻ, nhưng lại rất khó phân hủy trong môi trường. Tuổi thọ của loại rác thải này gấp rất nhiều lần tuổi thọ của con người. Chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi giật mình khi biết phải mất bao nhiêu lâu để rác thải nhựa có thể phân hủy được. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chai nhựa mất 450-1.000 năm để phân hủy, bao nhựa mất từ 10-100 năm, ống hút nhựa mất từ 10-500 năm…
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chống rác thải nhựa, Đảng, Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể thông qua các chỉ thị, nghị quyết, đề án về vấn đề này. Cụ thể, ngày 20-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Trong đó chỉ đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch về giảm thiểu, thu gom, tái chế và xử lý rác thải nhựa; gương mẫu, tích cực giảm thiểu và hạn chế sử dụng rác thải nhựa… Ngày 05-02-2021 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đối tượng tuyên truyền là cộng đồng dân cư địa phương (khu vực nông thôn, khu vực đô thị) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể và các tổ chức thành viên, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…; học sinh, sinh viên các cấp học trên toàn quốc.
Trong những năm qua, phong trào “Chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, từ năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” là một trong 2 nội dung đột phá trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phong trào đã được Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng với nhiều phong trào cụ thể, sáng tạo. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 274 ngày 4-5-2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”… Theo đó, việc sử dụng chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được giảm thiểu.
Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được trên 4.570 mô hình tổ, nhóm tự quản về thu, gom, xử lý rác thải nhựa và chống rác thải nhựa ở khu dân cư. Cùng với đó là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, vì vậy ý thức người dân trong việc thu gom rác thải nhựa, giữ gìn vệ sinh môi trường dần được nâng lên. Đường làng, ngõ xóm ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa xuất hiện nhiều mô hình thu, gom rác thải do các đoàn thể tổ chức thực hiện. Việc thu, gom rác thải còn được dùng để gây quỹ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, tạo phong trào sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Rác thải nhựa còn được tái chế thành những đồ dùng, đồ trang trí. Chẳng hạn như vỏ chai nhựa được tận dụng làm gạch sinh thái để làm bàn, ghế, bồn hoa khuôn viên trường học, UBND xã; các thùng, xô, chậu nhựa được sử dụng để trồng rau, hoa, cây cảnh; ống hút nhựa được cắt tỉa thành hoa để trang trí. Từ đó đã góp phần làm đẹp cho cảnh quan, không gian trong mỗi gia đình, nơi công cộng. Đây chính là cách tuyên truyền hiệu quả nhất, bởi mỗi mô hình được nhân rộng sẽ ngày càng có nhiều người cùng chung tay chống rác thải nhựa.
Phong trào còn có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiêu biểu như mô hình của Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang). Hợp tác xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ các xã, phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác tại mỗi gia đình; hướng dẫn người dân tận dụng rác hữu cơ để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Đồng thời, triển khai hướng dẫn các tổ nhân dân trên địa bàn cách phân loại rác. Đối với rác thải nhựa, ni lông đã được hợp tác xã thu gom đem về xưởng để tái chế thành những vật dụng hằng ngày như vải ni lông, xô, chậu nhựa. Biện pháp này không gây khói, bụi, góp phần bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, những mô hình như này cần được nhân rộng để phong trào thực sự có chiều sâu.
Đặc biệt, việc thu, gom, xử lý và chống rác thải nhựa cần được giáo dục cho trẻ em từ trong mỗi gia đình, nhà trường sẽ góp phần hình thành nên những thế hệ có ý thức về vấn đề này. Bởi sự thay đổi nhận thức và hành động ngay từ bây giờ sẽ giúp cho rác thải nhựa được giảm thiểu và môi trường sống của chúng ta ngày càng sạch hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết