Tôi ngạc nhiên, mình chỉ là người nhà của nhân viên công ty họ, chưa hề gặp mặt bao giờ mà cũng được họ viết thư cảm ơn và tặng quà trọng thị đến thế. Nhưng tôi cũng thấy tự hào, dù biết đó là văn hóa công ty chứ không phải do mình và người nhà mình có gì xuất sắc đặc biệt.
Lại nhớ, trong câu chuyện với những người đã làm việc với công ty nước ngoài, tôi đều thấy họ rất ngạc nhiên về việc nhân viên cơ quan nhà nước biếu quà tết cho lãnh đạo. Đối với họ, tết nhất là dịp lãnh đạo công ty tặng quà cảm ơn nhân viên vì nhân viên đã giúp họ duy trì công ty hoạt động và phát triển. Rồi cả việc đi ăn cùng công ty, mọi người đều bình đẳng, không có chuyện mâm trên mâm dưới, hay chuyện cấp dưới rót rượu mang đến mời cấp trên.
Có lẽ, bên cạnh những khác biệt đã được pháp luật chỉ rõ, thì những câu chuyện kể trên chính là một trong những khác biệt không nhỏ của cơ quan nhà nước ta với các công ty nước ngoài, công ty tư nhân.
Nhìn con số do Bộ Nội vụ thông báo trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 10 vừa qua, tôi bất giác nghĩ về những điều vừa kể trên. Mặc dù có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhưng tôi vẫn nghĩ nhiều đến sự khác biệt ấy.
Tôi lại nhớ hơn 30 năm trước, tôi và các bạn cùng lứa tốt nghiệp đại học, hầu hết đều trải qua giai đoạn “lính mới” ở cơ quan nhà nước với công việc đầu tiên là đun nước pha trà, quét nhà rửa ấm chén. Có sự hụt hẫng vì biết bao mường tượng, ấp ủ từ mái trường đại học bỗng bị xẹp xuống, để tuân theo các quy tắc dành cho “lính mới”. Đến khi bớt “mới”, thì lại cuốn vào việc xây dựng gia đình, cơm áo gạo tiền. Những ý tưởng sáng tạo lấp ló từ giảng đường đại học bị tan biến. Có lần gặp lại, các bạn đại học của tôi đúc kết: chỉ cần ngoan, đúng giờ, hoàn thành nhiệm vụ được giao là đủ.
Tưởng như đó là chuyện của mấy mươi năm trước. Nhưng mới đây, tôi được tin con gái của bạn thân cũng vừa xin nghỉ việc tại một cơ quan nhà nước nhiều người mơ ước, khi cháu vừa được kết nạp Đảng, lại làm việc giữa thành phố chứ không phải nơi xa xôi gì. Vợ chồng bạn tôi rất buồn, thậm chí người cha giận con mất mấy tháng trời.
Tìm hiểu thì cháu nói không thể thích nghi được với cách làm việc chỉ cần vâng dạ và rót nước pha trà mỗi sáng, lương sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chỉ hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập đành trông vào thỉnh thoảng có người đưa phong bì để bỏ qua cho họ vài việc. Cháu kể, những lúc thấy người ta chuẩn bị phát phong bì, cháu thường tìm cớ ra ngoài. Tôi đoán tâm hồn của một học sinh ngoan từ cấp 1 đến hết đại học không thể chấp nhận những cung bậc khi buồn tẻ, lúc lắt léo ở cơ quan nhà nước như thế.
Thật may, con gái của bạn tôi đã tìm được việc làm như ý ở một công ty tư nhân. Cháu rất hứng thú vì thu nhập gấp nhiều lần trước kia, lại được thỏa sức sáng tạo với những mẫu trang phục mới, bán rất chạy. Vợ chồng bạn tôi thở phào: “Nó giỏi hơn mình, biết bung ra”.
Chẳng riêng gì con gái của bạn tôi bỏ việc Nhà nước. Báo chí gần đây dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo rằng, tính sơ sơ năm nay, ngành giáo dục có 16.000 giáo viên bỏ việc. Cứ 100 giáo viên thì có 1 người bỏ ngành để làm công việc khác. Một thống kê mới đây của Bộ Y tế cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Ngoài hai ngành nói trên, tại một số tỉnh thành phố cũng có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc khá cao. Một số lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng cũng đã nộp đơn xin nghỉ.
Chúng ta đều biết, nhiều giáo viên, bác sỹ bỏ việc không phải vì không yêu nghề. Bằng chứng là nhiều người trong số họ đã đầu quân cho các trường học, bệnh viện tư nhân. Đến nỗi tại nghị trường Quốc hội đã có ý kiến thốt lên: đội ngũ y tế “chạy” từ công sang tư thì vẫn đóng góp cho đất nước chứ “có chạy sang tây đâu mà sợ”.
Kể những chuyện này, tôi không nhằm nói xấu cơ quan nhà nước hay cổ súy cho làn sóng bỏ việc. Nhưng rõ ràng đang có sự khác nhau rất nhiều về thu nhập cũng như văn hóa nơi làm việc của cơ quan nhà nước và tư nhân. Về thu nhập, lương của một viên chức mới ra trường hệ số 2,34 chưa đến 4 triệu đồng. Trong khi đó, người giúp việc với những công việc phổ thông hiện cũng được trả khoảng 5-10 triệu đồng/ tháng, người phụ hồ khoảng 300 nghìn/ngày công, cũng có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng.
Còn vấn đề văn hóa công vụ cũng nhiều điều cần bàn. Có người đã luận giải khá hài hước về sự “chuyển vai” của mỗi người trong xã hội. Rằng khi anh làm nhiệm vụ của một công chức hành chính, anh tự thấy mình có quyền được người dân đến giao dịch vì nể, cậy nhờ. Nhưng khi đến công sở khác giao dịch trong vai khách hàng, anh lại tự động chuyển trạng thái sang vì nể, cậy nhờ cô nhân viên ở đó – dù hôm qua cô ấy vừa là công dân đến mong anh quan tâm giải quyết thủ tục hành chính.
Đó là bởi yếu tố phục vụ hiện đang bị coi nhẹ trong nhiều cơ quan nhà nước. Nhiều người ngồi vào một vị trí nào đó thường tự cho mình cái quyền ban phát, chứ không phải thực thi công vụ. Nên mới có quan liêu cửa quyền, mới có bôi trơn…Nên không chỉ nhân dân mất niềm tin, mà ngay cả những người chính trực trong cơ quan nhà nước cũng bị mất niềm tin.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 9 vừa qua đã bàn đến việc phải sửa chính sách công để giữ cán bộ. Hội nghị Trung ương 6 mới kết thúc cuối tuần qua cũng đã nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Trong đó có việc hoàn thiện Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính.
Trong khi những vấn đề ở tầm vĩ mô vẫn đang được bàn và nghiên cứu, thì việc xây dựng văn hóa công vụ gắn với nền hành chính phục vụ của mỗi cơ quan, đơn vị nhà nước, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người đứng đầu cũng cần được nhận thức và thực hiện đúng mức hơn. Khoảng cách khác biệt công tư nhờ vậy sẽ rút ngắn hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết