Chuyện của chàng trai Tày khởi nghiệp với nghề mây, tre, nứa là minh chứng cụ thể. Anh từng nổi tiếng trong tỉnh khi thành công với sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ như bàn, ghế, cốc, chén…từ mây, tre đan. Sản phẩm của anh đã trở thành vật phẩm trưng bày ở các cơ sở homestay trong tỉnh. Nhiều làng du lịch cộng đồng ở một số địa phương có điều kiện tương đồng đã đến tìm hiểu, học tập. Thành công hơn khi những chiếc cốc, hộp đựng bút, bình nước,... do anh làm ra còn được cả khách Tây đặt mua.
Nhưng đó là chuyện của 2 năm về trước. Nghe anh nói vậy chúng tôi đều bất ngờ. Qua mùa dịch Covid -19, chuyện khởi nghiệp của anh đã thay đổi. Anh đóng cửa cơ sở sản xuất đồ mây, tre đan mà anh dành bao tâm huyết để đầu tư và chuyển hướng làm nghề khác để có thêm thu nhập. Anh giải thích với giọng đầy tiếc nuối: Không chỉ sản phẩm không tìm được đầu ra mà còn bởi mẫu mã bị copy rất nhiều. Tôi hỏi về chuyện đăng ký sở hữu bản quyền, anh bảo: Cái khó là, người ta chỉ cần thay đổi kích thước hoặc 1 chi tiết nhỏ là không vi phạm bản quyền rồi.
Các sản phẩm đồ lưu niệm từ thổ cẩm cũng trong cảnh tương tự. Bởi các sản phẩm này ban đầu tung ra thị trường đều được đón nhận bởi sự lạ, sự độc đáo riêng có. Nhà nhà tu sửa khung cửi, làm khung cửi mới để dệt vải. Tối đến, các bà, các chị hò nhau tụ tập ở nhà văn hóa để thêu, dệt... Nhưng sau một thời gian, khi cái lạ trở thành quen, khi cái độc đáo thành phổ biến thì hàng loạt thách thức đặt ra. Nói như một chủ cơ sở homestay: Ngày homestay mới hoạt động, sản phẩm thủ công truyền thống như mây, tre đan, thổ cẩm có khi còn không đủ bán. Giờ thì mọi người chỉ xem, ngắm, check - in nhưng rất ít người móc ví trả tiền cho những sản phẩm ấy. Và các sản phẩm này cứ nằm im trong gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Trong khi trên thực tế, có không ít du khách than phiền rằng, họ không biết mua gì làm quà lưu niệm khi đến Tuyên Quang!
Nghề truyền thống đã tồn tại song hành với cuộc sống của bà con vùng cao từ ngàn đời nay kéo theo đó là các sản phẩm từ nghề truyền thống ra đời. Trải qua thời gian, nhiều thứ đã thay đổi nhưng lòng yêu nghề và khát khao khôi phục nghề truyền thống của bà con chưa bao giờ thay đổi. Vì thế, nỗi lòng của những người giữ nghề này là mong muốn sản phẩm không chỉ dừng ở cảnh trưng bày như hiện nay. Đó là đòi hỏi chính đáng, nghiêm túc. Bởi sản phẩm truyền thống chính là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Văn hóa là sức mạnh mềm. Biến sức mạnh mềm thành tiềm lực kinh tế là thực tế hiển nhiên nhưng cần tìm lời giải.
Đi sâu vào chuyện sản phẩm đồ lưu niệm từ nghề truyền thống chúng ta thấy đang tồn tại nhiều vấn đề. Tại sao các sản phẩm này khiến du khách chưa móc ví trả tiền? Nguyên nhân được nhiều người chỉ ra bởi chất lượng, mẫu mã; bởi cách thức quảng bá, tiếp thị, bởi cả giá cả... Rõ ràng, chúng ta vẫn trong cảnh vừa đi vừa dò đường. Nhưng dò đường mãi cũng phải tìm một lối đi.
Giải pháp được nhiều người chú trọng là tìm cái riêng, cái khác biệt. Đó cũng là một hướng. Giống như chuyện làm OCOP. Khi địa phương nào cũng làm OCOP thì nhiều chuyên ra cho rằng, chúng ta tạo sự hấp dẫn bằng những câu chuyện về sản phẩm. Bởi mỗi mảnh đất đều gắn với bản sắc văn hóa truyền thống tích tụ từ ngàn năm. Hãy kể câu chuyện đó vào sản phẩm để du khách hiểu hơn về văn hóa địa phương, từ đó thích thú và sẵn sàng mua sản phẩm đó. Họ mua sản phẩm, nhưng họ đang mua cả văn hóa, cả bản sắc của vùng miền nơi họ đặt chân đến.
Ví như chuyện thổ cẩm, đó là câu chuyện dài về văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nó không chỉ tái hiện nghề trồng bông, dệt vải hưng thịnh thời xa xưa mà còn cho thấy sức sáng tạo không ngừng của người miền núi. Ở đó, người ta còn thấy bóng dáng người phụ dân tộc Tày, Nùng xưa hay lam hay làm, chịu thương chịu khó. Đó là tục đẹp trong đám cưới của người dân tộc khi con dâu tự tay làm chăn, gối... thổ cẩm biếu bố mẹ chồng.
Gần đây, phong trào phòng chống rác thải nhựa đang được triển khai rộng khắp. Việc thay thế các sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng tất yếu. Tôi lại nhớ ngày xưa, nhà tôi hay bất cứ gia đình nào ở vùng nông thôn đều tự lấy tre, nứa, giang để đan rổ, rá, nong, nia... để đựng một số vật dụng trong sinh hoạt. Các bà, các mẹ đi chợ tay đều xách chiếc làn mây. Khi các vật dụng này hỏng, họ lại tự tay làm những cái mới thay thế mà không phải bỏ tiền để mua như bây giờ. Bọn trẻ con dù không được dạy đan lát nhưng nhìn người lớn làm rồi tự mày mò học theo. Nhờ thế mà nghề đan lát cứ tồn tại trong mỗi gia đình người vùng cao từ đời này qua đời khác. Khi đồ nhựa lên ngôi, các đồ bằng tre nứa dần mất chỗ đứng, số người biết đan lát cùng dần ít đi. Lớp trẻ rất ít người đam mê, lớp người cao tuổi chỉ biết hoài niệm. Nhưng qua thời gian, giờ người ta lại quay trở về các giá trị truyền thống. Các đồ dùng bằng mây, tre, đan, đồ thổ cẩm thân thiện với môi trường đang được ưa chuộng. Đó là cơ hội để chúng ta cần nắm lấy. Trước hết, trong mỗi gia đình, làng bản chúng ta dùng sản phẩm của chính chúng ta, đó cũng là một cách để sản phẩm ấy có chỗ đứng. Nó giống như phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang".
Và đương nhiên, không thể kể đến các giải pháp mang tính lâu dài: Số lượng phải song hành với chất lượng, là vấn đề sở hữu trí tuệ, liên kết trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, là việc áp dụng công nghệ 4.0 trong chuỗi sản xuất hay sự gắn kết giữa văn hóa với du lịch... Song, để thực hiện được những yêu cầu trên, yếu tố mấu chốt vẫn là con người - chủ thể sáng tạo ra sản phẩm văn hóa và là người hưởng thụ các tinh hoa ấy. Có như vậy, các sản phẩm từ nghề truyền thống mới không còn dừng ở cảnh trưng bày, giới thiệu mà trở thành sứ giả văn hóa của mỗi địa phương. Và bài toán về "móc túi" khách du lịch mới thực sự có lời giải.
Gửi phản hồi
In bài viết