Hàn Quốc đã làm được điều đó vào đêm qua (2-12) khi lội ngược dòng thành công thắng Bồ Đào Nha 2-1 để lách qua khe cửa hẹp vào vòng 1/8. Bồ Đào Nha cũng là đối thủ mà Hàn Quốc từng hạ gục 1-0 trên sân nhà năm 2002. Son Heung min, cầu thủ đang chơi tại giải bóng đá ngoại hạng Anh đã khóc, người Hàn Quốc đã khóc vì hạnh phúc, vì tinh thần chiến đấu quả cảm của các cầu thủ. Cả châu Á tự hào vì Hàn Quốc đã nắm tay Nhật Bản, Australia vào vòng 1/8 đầy kiêu hãnh nhưng không bất ngờ. Không bất ngờ là bởi, theo cách luận giải của ông Park và Huấn luyện viên trưởng Nhật Bản Hajime Moriyasu, “trình độ của họ đã đạt tiêu chuẩn toàn cầu”.
Tôi là người cuồng nhiệt với trái bóng và theo dõi sát hệ thống đào tạo của Hàn Quốc và Nhật Bản thì thấy rằng, hai đội bóng này thắng những đội bóng hàng đầu thế giới cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Các nước này đã có tầm nhìn chiến lược đầu tư cơ sở vật chất bài bản, xây dựng hệ thống đào tạo bắt đầu từ trường học đến các câu lạc bộ ở mỗi địa phương.
Một lần tôi có dịp đi Nhật Bản công tác, đến các thành phố của họ đều ưu tiên xây dựng sân bóng đá dành cho trẻ em. Hầu như trường học nào cũng có sân bóng đá, đó là cái nôi nuôi dưỡng những tài năng bóng đá đá học đường. Vậy nên, Nhật Bản thắng Đức, thắng Tây Ban Nha ở vòng bảng cũng là có nền móng của nó, chứ không phải là sự nỗ lực nhất thời của các cầu thủ. Đương nhiên rằng, những chiến binh Samurai-biệt danh của đội bóng Nhật Bản là những người luôn chiến đấu hết mình vì sắc màu dân tộc. Tất nhiên, điều này thì ở đội bóng nào cũng trào dâng sự tận hiến nhưng điều đó có tạo nên thành quả hay không là phải có căn gốc của nó, đó là sự đào tạo bài bản trong một môi trường chuyên nghiệp.
Cả châu Á mấy ngày qua hân hoan cùng Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là niềm tự hào thực sự, bởi, trước nay các đội bóng đến từ châu Á đều được xem là “kẻ lót đường” cho các đội bóng lớn. Năm 2002, Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha vượt qua vòng bảng người ta còn hồ nghi đất nước xứ lạnh này là chủ nhà. Nhưng tối qua thì không ai còn nghi ngờ gì nữa, Hàn Quốc đã đập tan mọi đồn đoán tầm thường trước những thắng lợi của một kỳ World Cup 20 năm trước đó.
Hàn Quốc đã đào tạo ra những cầu thủ kiệt xuất, những người làm bóng đá tài năng. Ông Park đã đến Việt Nam làm Huấn luyện trưởng đội tuyển quốc gia và ông đã làm thay đổi một nền bóng đá tụt hậu cứ hễ gặp Thái Lan là thua toàn tập, rồi vươn lên đoạt AFF Cup, đứng đầu Đông Nam Á và nằm trong top 100 thế giới. Việt Nam từng chạm đến ước mơ khi đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Trong hành trình ấy, Việt Nam thắng Trung Quốc 3-1, hòa Nhật Bản 1-1. Có một chuyện vui trên mạng xã hội, người ta bình luận rằng, “Việt Nam hòa Nhật, Nhật thắng Đức, Đức dưới cơ Việt Nam”.
Tất nhiên, đó chỉ là sự lạc quan “tếu”, bởi trình độ của bóng đá Việt Nam so với Nhật Bản, Hàn Quốc còn nhiều cách biệt. Người Việt yêu bóng đá, cầu thủ Việt cũng hết sức tận hiến cho từng trận đấu nhưng chúng ta chưa có hệ thống cơ sở vật chất và hệ thống đào tạo tiệm cận được với các nền bóng đá lớn. Để thực hiện giấc mơ World Cup thì phải làm tốt điều này. Chúng ta phải tự thấy xấu hổ trong trận giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam với Câu lạc bộ Borussia Dortmund mới đây xảy ra sự cố khung thành bị bung xà ngang mà không có bất cứ sự tác động mạnh nào. Sự cố thì không ai đoán định trước được nhưng điều đó lại xảy ra ở một sân vận động quốc gia vừa mới được đầu tư cải tạo với số tiền không ít. Những sân bóng đá 7 người được xây dựng tại các thành phố, thị trấn thì hầu như là để kinh doanh, chứ hoàn toàn không dành cho niềm đam mê bóng đá của con trẻ.
Lớn lên cùng ánh mặt trời, đó là câu thường nói của người Nhật hướng về tương lai phía trước. Khi chúng ta luôn hướng về tương lai bằng những hành độ cụ thể, căn bản nhất, chắc chắn sẽ chạm đến giấc mơ. World Cup với Việt Nam sẽ không xa nữa, bởi ta đã chạm đến một lần rồi, giờ hãy tiếp tục hướng về phía trước để nắm giữ thật chặt giấc mơ đó.
Gửi phản hồi
In bài viết