Hẳn là cái lạnh chưa thực sự se sắt khiến cho người ta phải co ro trong áo khoác, mũ len, găng tay, khăn quàng. Mấy ngày trước, đã cuối tháng 11 mà nhiều gia đình vẫn còn bật quạt, sử dụng điều hòa để giảm bớt cái oi nóng như đang ở giữa mùa hè. Nhiều cửa hàng thời trang vẫn bày bán quần áo mùa hè, không dám nhập về nhiều quần áo mùa Đông. Cái lạnh ngày hôm nay là cái lạnh khiến nhiều người nhớ về mùa Đông của những năm trước.
Mùa Đông của những năm trước trong ký ức của tôi đó là những mùa Đông giá lạnh, mùa Đông ra mùa Đông. Từ đầu tháng 11 đã có những đợt lạnh tràn về. Ở thành phố, ngoài sử dụng điều hòa 2 chiều làm ấm, nhiều nhà còn phải sắm thêm quạt sưởi cho trẻ em, người già và người ta đóng kín cửa để tránh cái lạnh. Ở vùng núi cao, bếp củi lúc nào cũng đỏ lửa để làm ấm căn nhà. Người già yếu gần như luôn phải ngồi gần bếp lửa. Những em nhỏ, đôi má hây hây đỏ vì nứt nẻ bởi cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa Đông. Các em hơ tay bên bếp lửa rồi xoa vào nhau, xoa lên má rồi hít hà hơi ấm như để xua đi cái rét, cái lạnh. Người ta mặc không chỉ áo phao, áo len mà còn đội mũ len, quàng khăn len, đeo tất chân, găng tay để giữ ấm. Đó mới thực sự là cái rét mùa Đông. Nhưng đó là khi thời tiết vẫn còn phân chia 4 mùa rõ rệt.
Từ mấy năm gần đây, cái rét như vậy dần trở nên hiếm hoi, mùa Đông đến muộn hơn, ít lạnh hơn. Cái lạnh không hẳn se sắt, rét buốt như trước. Chúng ta vẫn nói rất nhiều về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên. Nhưng chính mùa Đông đến muộn hơn và lạnh ít hơn là những biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu mà con người đang phải gánh chịu và bị tác động. Theo các chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai, nguyên nhân của việc mùa Đông đến muộn và ít lạnh hơn là do sự nóng lên toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiệt độ có xu hướng gia tăng đáng kể. Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5ºC trên phạm vi cả nước và đặc biệt tăng mạnh trong những tháng hè, kéo dài sang đến gần hết mùa Thu tại miền Bắc. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020, miền Bắc đón đợt khí lạnh đầu tiên vào nửa cuối tháng 9. Sang đến năm 2021, đến tận gần giữa tháng 10 miền Bắc mới có đợt không khí lạnh. Và cuối cùng, sang đến năm 2022, phải tận đầu tháng 12, người dân miền Bắc mới được cảm nhận đôi chút không khí của mùa Đông.
Cũng theo các chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu tại Việt Nam phần lớn nguyên nhân do con người. Con người đã không ngừng sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Lượng khí thải lớn trong quá trình sinh hoạt, như khói xe máy, ô tô hay khí thải nhà máy ngày càng khiến nồng độ CO2, một số hợp chất như NOx hay clo-flo-cacbon (CFC) trong không khí tăng vọt, ảnh hưởng đến bầu khí quyển bao quanh Trái Đất, hay nói chính xác là làm suy giảm tầng ô zôn - vốn được coi là tấm khiên bảo vệ, che chở cho sự sống của Trái Đất. Chính nhờ tấm khiên này mà phần lớn tia cực tím của bức xạ Mặt Trời bị hấp thụ, không cho các tia này đến được Trái Đất. Khi tầng ô zôn bị suy giảm, các tia độc hại từ ánh nắng mặt trời sẽ chiếu trực tiếp xuống Trái Đất, làm cho Trái Đất nóng hơn và trở nên khô cằn. Hậu quả không chỉ hạn hán, sự xuất hiện của những cơn mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, triều cường ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, thiệt hại nặng nề về tài sản và con người.
Do đó, mỗi người chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn và giảm thiểu sự biến đổi khí hậu bằng những việc hết sức cụ thể như: Trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sống có ý thức với môi trường hơn. Chỉ có như thế mới không xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan và trả lại quy luật tự nhiên của khí hậu.
Gửi phản hồi
In bài viết