Không chỉ Giáng sinh, nhiều ngày lễ mới được du nhập vào Việt Nam sau quá trình hội nhập như ngày lễ tình nhân, lễ hội ma quỷ Halloween, rồi ngày vía thần tài… được nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ, nhiệt tình đón nhận. Đây là quá trình tất yếu của thời đại công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại, của xu thế toàn cầu hóa. Các thông tin được lan truyền ngày càng rộng rãi, nhanh chóng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như instagram, facebook, twitter, zalo... Nó giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ tiếp nhận các luồng văn hóa từ bên ngoài du nhập vào rất dễ dàng.
Qua đó, hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước trên thế giới. Điều này làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, kích cầu thị trường, tạo sự thân thiện với cộng đồng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và du lịch tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để kết nối tình cảm của mọi người với nhau, tạo ra cơ hội kinh doanh và tạo thêm cơ hội giải trí cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, ý nghĩa của những ngày lễ mới được du nhập này không phải ai cũng hiểu hết. Từ đó dẫn đến việc ứng xử với lễ hội du nhập chưa đúng, thậm chí gây phản cảm, đi ngược lại hoàn toàn ý nghĩa nguyên bản của nó.
Không khó để nhận thấy điều này.
Ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức ngày Vía thần tài – một ngày lễ mới du nhập từ Trung Quốc khoảng 20 năm trở lại đây - người người đổ xô đi mua vàng cầu tài lộc đến cho gia đình, vô hình trung, đẩy giá vàng những ngày này cao gấp nhiều lần giá trị thực.
Lễ Halloween, những hình ảnh máu me, kinh dị tràn ngập mạng xã hội. Mới đây nhất, nhóm bạn trẻ hóa trang Halloween bằng việc nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang ở giữa phố đi bộ ở thành phố Hồ Chí Minh gây bức xúc trong dư luận.
Thảm kịch ngày lễ Halloween ở Iteawon, Hàn Quốc khiến hơn 150 người chết một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc ứng xử với những lễ hội du nhập như thế nào cho đúng.
Đã có nhiều ý kiến về việc nên cấm những lễ hội không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam như ngày lễ Halloween. Thiết nghĩ, điều này vừa khó, lại không phù hợp với xu thế hội nhập.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, một trong những lý do khiến việc ứng xử với các lễ hội mới du nhập chưa đúng là do nhiều người mới đang thực hành ở phần hình thức, mà chưa đi sâu tìm hiểu những ý nghĩa, giá trị sâu xa của lễ hội ấy.
Thay vì cấm, tẩy chay, hãy đi sâu tìm hiểu và phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội, và từng bước “Việt Nam hoá” để nó thực sự đi vào cuộc sống. Có một lễ hội Halloween, Giáng sinh hay ngày lễ tình nhân… mang giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam sẽ đóng góp cho sự đa sắc, phong phú của văn hóa thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết