Sự việc đau lòng xảy ra đúng ngày cuối cùng của năm cũ (31-12-2022), cũng là lúc cả đất nước đang chờ đón năm mới. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, chắc chắn ai cũng cầu nguyện một năm mới tốt đẹp. Tôi tin rằng, lời cầu nguyện ấy luôn có chỗ cho Hạo Nam - cầu cho em bình an. Ngay cả khi có thông tin chính thức: Hạo Nam đã tử vong sau hơn 100 giờ nỗ lực giải cứu không thành thì mọi người vẫn không ngừng cầu nguyện: Sang thế giới bên kia em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta khó có thể cầm lòng khi mẹ của Hạo Nam chia sẻ: Nam cần 60 nghìn đồng để học võ, nhưng cha mẹ không có. Cháu đi nhặt nhạnh phế liệu bán lấy tiền, đã gom được 21 nghìn... Giấc mơ của em đã chôn vùi vĩnh viễn dưới chiếc cột bê tông hun hút kia.
Nguyên nhân cái chết của em sẽ còn được phân tích, mổ xẻ nhiều. Tuy nhiên, lời chia sẻ nghẹn ngào của mẹ Hạo Nam đã nói lên một thực tế đắng lòng về cái nghèo, cái khó của gia đình. Và đắng lòng hơn khi chuyện nghèo của gia đình Hạo Nam lại là chuyện của hàng trăm, hàng nghìn hộ nghèo của cả nước hiện nay và là vấn đề của toàn xã hội. Những khó khăn về kinh tế đã khiến không ít gia đình rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu. Bởi thế, Chính phủ đã phát động và thực hiện phong trào: Cả nước vì nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hàng loạt các hoạt động nhân đạo, từ thiện được thực hiện. Và tấm lòng của những nhà hảo tâm đã phần nào giúp những hoàn cảnh vơi bớt khó khăn. Giống như gia đình Hạo Nam vậy, Quân khu 9 sẽ hỗ trợ 1 căn nhà cho gia đình, để gia đình sớm có nơi ở ổn định và đề xuất phương án hỗ trợ cho gia đình có công ăn việc làm.
Ở tỉnh ta, chương trình giảm nghèo đều được đưa vào mục tiêu của năm với những giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh đã triển khai Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Tính đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh đã thực hiện làm mới và sửa chữa cho 2.464 hộ nghèo/1.724 hộ (làm mới 2.242 hộ, sửa chữa 222 hộ), đạt 142,9% so với kế hoạch đầu năm 2022, đạt 64,5% so với cả giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí thực hiện là trên 250 tỷ đồng. Trong đó: nguồn kinh phí hỗ trợ theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (Đề án 308), giai đoạn 2021-2025 là trên 138 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ cộng đồng, dòng họ (quy tiền) là trên 18 tỷ đồng; nguồn đối ứng của hộ gia đình là trên 93 tỷ đồng.
Vào dịp đón Tết cổ truyền, các chương trình Tết ấm cho người nghèo được triển khai rộng khắp. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động hỗ trợ từ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; tặng dê giống, bò giống... Đặc biệt là hoạt động nhân đạo, từ thiện do các hội, đoàn thể, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Như chuyên mục Nhịp cầu nhân ái do Báo Tuyên Quang phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh thực hiện. Qua hơn 1 năm (từ tháng 6-2021) đăng trên Báo Tuyên Quang cuối tuần, Báo Tuyên Quang điện tử và chia sẻ trên Fanpage, tất cả 32 trường hợp khó khăn đã được hỗ trợ số tiền gần 2 tỷ đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng nhìn vào từng hoàn cảnh được hỗ trợ chúng ta mới thấy được ý nghĩa lớn lao đến nhường nào.
Đó là một em bé bị rắn cắn, có nguy cơ bị hoại tử chân. Gia đình nghèo, sống ở vùng dân tộc thiểu số, mọi người chỉ biết chữa trị cho em bằng đắp lá thuốc. Khi được hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, gia đình em vẫn không tin đó là sự thật mà cứ ngỡ như một phép màu. Bởi nếu không, rất có thể em sẽ vĩnh viễn mất một chân và phải sống cả phần đời còn lại với đôi chân không lành lặn và khó khăn chắc chắn sẽ nối dài khó khăn. Hay có học sinh thi đỗ đại học nhưng không có tiền đến trường. Những tưởng cánh cửa đại học sẽ đóng lại nhưng nó đã mở toang khi em nhận được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mở ra bao hi vọng tươi sáng về cuộc đời em, cũng như cho xóm nghèo nơi em sống. Đau đớn khi có nhưng em thơ mất hết cả cha lẫn mẹ đã kịp thời nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ giúp đỡ. Là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được hỗ trợ giúp họ vơi bớt khó khăn...
Thật khó thể kể hết những hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Nhưng một điều chắc chắn rằng, các hoạt động thiện nguyện đã viết nên bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Truyền thống, đạo lý "thương người như thể thương thân" đã và đang được duy trì bằng những hoạt động bài bản, có tổ chức và những cách làm hợp lý từ Trung ương đến địa phương. Song, trong hành trình ấy, có một sự thật chúng ta phải đối mặt và chấp nhận rằng, sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh của Hạo Nam đã phần nào nói lên những khó khăn ấy.
Giải bài toán đầy thách thức này cần sự chung tay của toàn xã hội với những trái tim và khối óc đầy sáng tạo, nhân văn. Và tương lai của đất nước đang chờ những thế hệ như Hạo Nam và nhiều thế hệ khác. Dẫu em mãi ra đi nhưng chắc chắn, các bạn đồng trang lứa, trong đó có chính những bạn cùng đi nhặt phế liệu với Hạo Nam trong ngày định mệnh ấy sẽ viết tiếp những mong ước của em.
Ngủ ngon Hạo Nam nhé! Giấc mơ dang dở của em sẽ được viết tiếp bởi tình yêu và trách nhiệm của triệu trái tim con người Việt Nam!.
Gửi phản hồi
In bài viết