Nhà tôi ngày ấy gần sông. Ngày cận Tết, chị em tôi người mang chăn, màn, quần áo, người ôm lá dong đi bộ ra bến thủy văn giặt giũ, rửa lá. Nhà nào có con trai, những cậu con trai khiêng đòn gánh cả mớ nồi niêu xoong chảo ra sông kỳ cọ. Những ngày mùa đông xám xịt, trời rét căm căm, nhưng cả khúc sông rộn tiếng nói, tiếng cười, xua đi cái rét mướt cắt da cắt thịt.
Ngày 27 Tết, bố tôi, với mấy người đàn ông trong xóm đun nồi nước to để đụng lợn. Con lợn 60, 70 cân, mỗi nhà một phần. Mổ lợn, rồi gói bánh chưng, lũ trẻ cứ chạy từ nhà nọ sang nhà kia, người xin thêm chục tàu lá dong, người xin lạt... Đêm, mấy chị em vẫn ngồi canh nồi bánh, chờ vớt chiếc bánh đầu tiên rồi mỗi người một chiếc thìa, nếm những miếng bánh nóng hổi dẻo thơm mà xuýt xoa như được ăn sơn hào hải vị.
Cành đào được chặt từ gốc đào trồng ở góc vườn, nụ hồng phơn phớt hé nở như mời gọi. Ngày 30 Tết, mẹ tôi dán giấy đỏ lên đồ vật, chuồng trại, cây cối... quanh nhà. Bà bảo, mình ăn Tết, vật cũng phải ăn Tết chứ, có như thế năm mới chúng mới phục vụ tốt hơn cho nhà mình, để của cải của nhà càng ngày càng sinh sôi nảy nở.
Những chiếc áo mới được mẹ gấp gọn, thơm mùi hồ được phát vào sáng mùng 1. Chị em tôi xúng xính quần áo mới, ngồi ngay ngắn nhẹ nhàng, chỉ sợ nhăn mất bộ quần áo bảnh nhất của mình và chờ... được ăn mứt, ăn kẹo. Cả một năm khó khăn, vất vả, đồng quà tấm bánh với chị em tôi đếm trên đầu ngón tay, nên Tết về, được thỏa thích ngậm những chiếc kẹo ngọt ngào trong miệng, cảm giác đã đời lắm.
Thi thoảng, tôi lại kể cho cậu con trai lớn của mình nghe những chuyện này. Nó hay cười, bảo chuyện của mẹ giờ như chuyện cổ tích ấy. Ngẫm lại, cũng thấy đúng.
Suốt mùa Tết, lũ trẻ nhà tôi không đứa nào hỏi đến bánh chưng, không đòi quần áo mới, cũng chẳng hỏi đến bánh kẹo bao giờ. Sau gần 40 năm, đất nước ngày càng phát triển, những món ăn trước đây chỉ có Tết mới có, giờ bày bán quanh năm, có sẵn trong các cửa hàng tiện lợi.
Hôm vừa rồi, cậu con trai tôi về hớn hở khoe: Hôm nay con được ăn bánh chưng ở lớp. Bánh chưng do các bạn lớp con tự gói.
Hỏi ra mới biết, trường tổ chức Hội chợ quê, trong đó có phần thi gói bánh chưng của các lớp. Lũ trẻ tự học cách ngâm gạo, ngâm đỗ, ướp thịt, cắt lá và đặt khuôn, gói bánh... “Ngon mẹ ạ! Quan trọng là vui nữa”.
Vui, đó là điều mà vợ chồng tôi gần như không nghĩ đến, kể từ ngày ra ở riêng. Bánh chưng có cửa hàng lo. Dọn dẹp nhà cửa có dịch vụ lo. Tâm lý “để mình ăn Tết chứ không để Tết ăn mình” giờ được các cặp vợ chồng trẻ thực hiện, thành thử, không khí chuẩn bị Tết có lẽ cũng bớt tất bật đi một chút.
Mấy hôm nay, trong lúc lau dọn nhà cửa, thỉnh thoảng tâm hồn tôi có lúc chợt dịu lại, mơ màng. Đó là khi lau những bức ảnh của ông bà bám đầy bụi, tôi thấy mình như đang thì thầm với tổ tiên. Đó là khi dẫn con đi mua hoa, chợt tôi thấy nhẹ nhàng dâng lên một niềm vui khi nhận ra một năm qua các con đã lớn lên nhường nào. Đó là khi lũ trẻ reo lên, sắp được về nhà ông nội đón Tết... Tự nhiên nhớ câu chuyện, đã có lần, ai đó đề xuất nên bỏ Tết cổ truyền. May sao, đề xuất này không nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận.
Tết, dẫu có đổi thay, nhưng hóa ra vẫn đẹp đẽ và mong manh lắm, thoáng đến và thoáng đi, nhưng trường tồn cùng dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết