Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, thông tin tình trạng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đổ về một số chùa, đền, đình chen lấn, giành giật manh chiếu cầu mong tài lộc, sinh con trai trong lễ hội Đức Bụt tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hay tình trạng chen nhau dâng lễ, rót dầu vía Ngọc hoàng tại chùa Ngọc Hoàng, quận 1, TP Hồ Chí Minh; tình trạng tiền lẻ nhét khắp nơi quanh đền Nưa - Am Tiên, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa)... Báo chí cũng không ít lần phản ánh tình trạng rải tiền công đức không đúng quy định, gây mất mỹ quan, phản cảm nơi thờ tự.
Tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau để dâng lễ, làm lễ, khấn vái cũng diễn ra ở rất nhiều ngôi chùa, đền, phủ của một số tỉnh, thành. Điển hình như tình trạng chen lấn, xô đẩy gây ra ùn tắc, lộn xộn tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) như báo chí đã thông tin. Một người chị họ của tôi vừa đi lễ chùa Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh) về kể lại, cảnh tượng chen lấn xô đẩy diễn ra tại khu vực chùa Đồng, chùa Hoa Yên khá phổ biến. Ngôi chùa Đồng cao 1.068 mét so với mực nước biển, dù đã có lan can che chắn nhưng cảnh tượng đông đúc, lộn xộn chen lấn làm lễ vẫn diễn ra làm cho không ít người lên tới đây cảm thấy lo sợ nếu chẳng may trượt chân ngã. Hiện tượng người dân dùng tiền chà xát lên chuông, khánh và thân chùa Đồng vẫn diễn ra làm mất đi sự tôn nghiêm, làm thay đổi diện mạo, màu sắc của chuông, khánh, cột chùa. Thậm chí có người còn dùng cả thẻ ATM, ngoại tệ chà xát lên cột chùa, chuông, khánh. Chị bạn tôi chia sẻ, đi chùa mong cho tâm thanh tịnh nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến chị thực sự mệt mỏi.
Từ ngàn xưa, truyền thống của người Việt Nam, phong tục mỗi dịp đầu năm trước tiên là cúng tổ tiên, ông bà trong gia đình, sau đó đi tới các từ đường để lễ tiên tổ, thứ ba là đến đình, đền, chùa, miếu mạo để cầu phúc. Các cụ quan niệm Phật là tự tâm và khi đi lễ đầu năm, muốn công đức hay có thành tâm xây dựng chùa thì bỏ tiền vào hòm công đức. Về ý nghĩa tâm linh, người đi lễ với tâm thành kính sẽ chỉ cầu bình an, mạnh khỏe, thành đạt. Người đi lễ còn mong được vãn cảnh ngôi chùa, ngôi đền, tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc mỹ thuật, cảnh quan nơi đó.
Tuy nhiên, ngày nay, việc đi lễ chùa, đền, đình, phủ dù đã được Ban Quản lý các chùa, đền, đình, chấn chỉnh song vẫn còn những cảnh tượng phản cảm do người đi lễ chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm gây nên. Không ít người đi lễ đầu năm cho rằng, giắt tiền vào cửa, vào tượng Phật là thể hiện lòng thành kính với Phật. Thậm chí với suy nghĩ cứ dâng lễ to, rượu, thịt, tiền vàng nhiều là cầu được ước thấy, thậm chí nhiều người đi lễ cầu sinh được con trai, kiếm được nhiều tiền, mua được ô tô, xây được nhà, trả được nợ…
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về việc đi lễ đầu năm sao cho đúng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho rằng, đã sắp xếp thời gian đi lễ thì phải dành thời gian để vãn cảnh, không nên đi vội vàng, hấp tấp, chen lấn. Không được mang tâm hồn của người quá tham cầu. Nếu cúng trên chùa thì cúng xong phải cho vào hòm công đức, tâm mình thầm kín, cũng là để bảo quản đồng tiền cúng. Không rải tiền lung tung rất phản cảm, hãy giữ sự tôn nghiêm, thanh tịnh khi đi lễ.
Người đi lễ cũng không nên mang vào chùa rượu, thịt và vàng mã. Chỉ có tâm thành kính là được. Dâng hương, dâng hoa, dâng nến tùy khả năng của mình. Hòa thượng cũng nhắn nhủ, dù sắm gì đi lễ cũng phải nhớ lòng thành chứ không nên mang lòng tục vào chùa. Tâm bình an thì mọi sự bình an. Một nén hương cho thơm, một bông hoa cho ngát là được. Không cần dâng cúng nhiều, và cũng không cầu gì nhiều ngoài Bình An.
Nói cho cùng, đi lễ cầu bình an đã bao hàm tất cả ý nghĩa của việc mong cầu, là dịp để loại bỏ lòng tục, lòng tham, để bước vào một chu kỳ mới của đất trời và đời người với cái tâm trong sáng nhất. Khi có tâm trong sáng, hành động cũng trong sáng, ắt phước lành sẽ đến.
Gửi phản hồi
In bài viết