Đặc sản này, tôi hiểu, bao hàm nhiều ý: Món ăn ngon, cảnh sắc độc đáo, văn hóa dân tộc đậm đà... Trên thực tế, “đặc sản” đang được nhiều địa phương biến thành cơ hội để thu hút khách du lịch. Như đến Sơn La là phải ghé Mộc Châu, ngắm đồi chè, những cánh đồng cỏ bạt ngàn và thưởng thức sữa bò tươi nguyên chất. Đến Yên Bái là phải được trải nghiệm ruộng bậc thang, săn mây. Hay khi đến Hà Giang là phải biết cao nguyên đá Đồng Văn...
Những ngày này, nếu dạo qua new feeds trên các trang mạng xã hội sẽ thấy bất kỳ người con Tuyên Quang nào cũng tự hào giới thiệu đến bạn bè bốn phương một đặc sản mà chỉ riêng Tuyên Quang mới có: Lễ hội Thành Tuyên. Họ tự hào giới thiệu những kỷ lục của lễ hội, chân thành mời gọi bạn bè đến chiêm ngưỡng, thưởng lãm. Và cả những nỗi niềm, xúc động của những người con xa quê vì một lý do nào đó mà lỡ dịp về xem hội.
Có thể khẳng định, Lễ hội Thành Tuyên đã thực sự trở thành một đặc sản du lịch hấp dẫn, độc đáo, riêng có của Tuyên Quang!
Khởi phát từ một hoạt động phục vụ nhu cầu con trẻ của người dân, Lễ hội Thành Tuyên dần được nâng cấp lên thành lễ hội cấp thành phố, rồi lễ hội cấp tỉnh. Những mô hình đèn trung thu rực rỡ sắc màu, được làm hoàn toàn từ sự đóng góp của người dân, qua bàn tay tài hoa của những “nghệ nhân đường phố”, lung linh rực rỡ, diễn diễu khắp các con đường, tuyến phố. Lũ trẻ háo hức, rạng rỡ, người lớn tự hào, vui lây.
Và Tuyên Quang không chỉ có riêng đặc sản này.
Là người con của xứ Tuyên, ai cũng có thể liệt kê những niềm tự hào của mình: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi ghi dấu những mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc; cảnh đẹp hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình, nơi được ví von như “Hạ Long trên cạn”; những làn điệu dân ca, dân vũ, những trang phục rực rỡ của đồng bào các dân tộc; những món ăn dân dã mà lưu luyến vị giác; tình cảm nồng hậu, mến khách của con người Tuyên Quang...
Với những lợi thế này, Tuyên Quang đang dần ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII cũng đã xây dựng một Nghị quyết chuyên đề, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, những đặc sản của tỉnh đều có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, để trở thành những điểm nhấn hấp dẫn đối với mỗi du khách khi đến xứ Tuyên. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế...
Tuy nhiên, để đặc sản trở thành món ăn hấp dẫn, khiến du khách muốn quay trở lại thưởng thức nhiều lần, lại là một câu chuyện khác.
Chúng ta nhắc nhiều đến liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, nhưng đến thời điểm này, câu chuyện liên kết vẫn khá lỏng lẻo. Làm mới sản phẩm, trải nghiệm cũng là bài toán hóc búa với các địa phương... Sẽ không thể giữ chân khách, nếu sản phẩm du lịch thiếu điểm nhấn và nghèo nàn.
Chỉ khi giải được bài toán này, mới có thể tính đến việc kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, để mỗi du khách sau chuyến đi trở về có thể trở thành một đại sứ du lịch của địa phương. Và khái niệm đặc sản du lịch, sẽ không phải là “đặc sản” để khách chỉ dám đến một lần rồi thôi!
Gửi phản hồi
In bài viết