Doanh nghiệp khởi nghiệp VNLife là đơn vị vận hành mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt VNPAY-QR. Trong ảnh: VNPAY-QR được nhiều khách hàng sử dụng. Ảnh: VŨ QUANG
Đối mặt với những khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan nhà nước, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (DN), quỹ đầu tư và bản thân các start-up đều nỗ lực tìm giải pháp tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn mạo hiểm và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là hai trong số bốn yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái start-up, bên cạnh yếu tố cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ của Chính phủ.
Bốn lĩnh vực ưu tiên đầu tư
Những ngày đầu tháng 10 tại Hà Nội, Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các đối tác tổ chức liên tiếp hai sự kiện hỗ trợ cộng đồng DN khởi nghiệp. Đó là khởi động Chương trình "Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp" phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID WISE) và Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho start-up có tính ĐMST phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB Ventures).
Theo đó, Chương trình USAID WISE hướng tới năm mục tiêu chính gồm: Đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên và đối tượng mới gia nhập thị trường lao động; xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo nâng cao và đào tạo lại về kỹ năng số; thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục; nâng cao năng lực cho các tổ chức, DN tham gia phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST và chuyển đổi số. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng, hiện đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các DN khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao và mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, yêu cầu đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái "bình thường mới" hậu Covid-19 đang cấp bách đặt ra. Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ann Marie Yastishock cho biết, hoạt động USAID WISE sẽ hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Còn Dự án ADB Ventures hướng đến mục đích tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho start-up Việt. Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, các DN khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu, nhất là những DN hoạt động trong các lĩnh vực có thể tạo ra sự thay đổi phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam và Đông Nam Á.
Với khoản tài trợ một triệu USD dành cho Việt Nam từ nay đến năm 2023, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các DN ĐMST và khởi nghiệp thuộc bốn lĩnh vực công nghệ sạch, tài chính, nông nghiệp, sức khỏe y tế được tiếp cận nguồn vốn viện trợ, đầu tư và các kỹ năng để phát triển kinh doanh. Thông qua khoản tài trợ, các DN sẽ giải quyết những thách thức về rủi ro thị trường cao trong giai đoạn đầu, khuyến khích DN phát triển các giải pháp công nghệ mới.
Các bạn trẻ làm việc tại Không gian sáng tạo Creative Labby Up (số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: THU HÀ
Khả năng thu hút hơn một tỷ USD vốn ngoại
Một sự kiện thu hút sự chú ý vừa qua là Công ty giải mã gien ứng dụng trí tuệ nhân tạo Genetica (công nghệ bản quyền của Mỹ) vừa quyết định phối hợp với NIC xây dựng Trung tâm giải mã gien lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, thay vì chọn Singapore. Trung tâm giải mã gien đặt tại NIC sẽ có công suất thiết kế lên đến 500 nghìn bộ gien/năm với tiêu chuẩn đồng bộ với phòng thí nghiệm tại trụ sở Mỹ của Genetica, triển khai vận hành giai đoạn 1 vào quý IV/2021. Điều này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của hoạt động ĐMST.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures cho biết: Sau khi sụt giảm vào năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, số thương vụ đầu tư vào Việt Nam chín tháng năm 2021 đã nhanh chóng phục hồi về mức gần bằng cả năm 2020. Một số thương vụ đáng chú ý như VNLife công bố gọi vốn 250 triệu USD; Tiki nhận thêm 20 triệu USD; kiot Viet gọi thành công 45 triệu USD... Đáng chú ý, vốn đầu tư mạo hiểm ở hầu hết các vòng đầu tư đều tăng cả về số lượng và trị giá, hoạt động đầu tư phục hồi mạnh mẽ và có sự bứt phá của các thương vụ từ 500 nghìn USD đến ba triệu USD với mức tăng lần lượt là 14,5% và 9,8% so cùng kỳ. Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vì ba lý do: Giá trị trung bình của các khoản đầu tư giai đoạn sau tiếp tục tăng; giá trị thoái vốn giảm trong năm 2020 và định giá thoái vốn tăng đáng kể. Khảo sát của Do Ventures với 50 quỹ đang hoạt động tại sáu thị trường lớn ở Đông Nam Á: Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thời gian tới, theo sau là Indonesia. Các lĩnh vực mới nổi mà nhà đầu tư có xu hướng tập trung vào tại Việt Nam bao gồm: giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính. Từ thực tế này, Do Ventures dự báo tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào start-up Việt năm 2021 sẽ đạt kỷ lục hơn một tỷ USD.
Cũng theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, khủng hoảng luôn là chất xúc tác cho những đột phá mới. Đây chính là thời điểm quan trọng để các start-up Việt Nam nắm bắt thời cơ, tạo dấu ấn trong khu vực và thế giới. Để sẵn sàng bứt phá sau khủng hoảng, các DN cần tái cấu trúc để tồn tại, trước khi gọi thêm vốn, hãy cắt giảm chi tiêu và tìm cách tạo ra các nguồn doanh thu mới. Đồng thời cần cân nhắc tất cả các hình thức gọi vốn có thể, bao gồm: quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, vốn vay ngân hàng, vốn viện trợ... để chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh.
Gửi phản hồi
In bài viết