Góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

- Để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cả dân tộc Việt Nam đã trải qua 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với cả nước, quân và dân Tuyên Quang đã có những đóng góp to lớn, chi viện về sức người, sức của cho chiến dịch toàn thắng.

Những đóng góp quan trọng

Tuyên Quang có vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây đã được Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lựa chọn là Thủ đô Khu giải phóng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và là Thủ đô Kháng chiến trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng quân và dân cả nước, quân và dân tỉnh Tuyên Quang đã có những đóng góp và chi viện đắc lực cho chiến dịch toàn thắng.

Cụ Đỗ Tiến, CCB Điện Biên Phủ, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (ngồi thứ 5 hàng đầu từ trái sang) kể chuyện thời chiến cho thế hệ trẻ.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc tại gần 20 địa điểm khác nhau trên địa bàn tỉnh gần 6 năm. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 65 ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự (trong đó có 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ) đặt nơi ở, làm việc trên địa bàn tỉnh. Là Thủ đô Kháng chiến, An toàn khu của trung ương, Tuyên Quang từng bước được xây dựng vững chắc, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… có những đóng góp xứng đáng vào các chiến dịch quân sự lớn.

Vào Đông Xuân 1953 - 1954, ATK Kim Quan (Yên Sơn) là nơi ở, làm việc chủ yếu của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là tổng hành dinh chỉ đạo toàn bộ chiến dịch; nơi Bác Hồ và Trung ương hàng ngày theo dõi sát sao diễn biến chiến trường và tình hình trong, ngoài nước để đưa ra những quyết sách quan trọng, bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

PGS. TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định: Tuyên Quang có 3 đóng góp quan trọng, đó là: bảo vệ an toàn khu, bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ Bác Hồ và bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Nhà nước. Tuyên Quang không chỉ làm tốt vai trò hậu phương tại chỗ cung cấp lương thực thực phẩm để phục vụ cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, mà còn làm tốt vai trò cung cấp cho tiền tuyến, chi viện cho Điện Biên Phủ.

“Tất cả cho tiền tuyến”

Đại tá Phạm Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, những đóng góp của quân và dân Tuyên Quang với chiến dịch là rất lớn. Thứ nhất, để đảm bảo an toàn cho các cơ quan Đảng và quân đội ta đóng tại Tuyên Quang, hai là xây dựng lực lượng vũ trang, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương và sẵn sàng huy động lực lượng bổ sung cho mặt trận Điện Biên Phủ. Năm 1954, toàn tỉnh có 1.734 đội viên du kích, trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội là 10 người; đã tuyển và bổ sung cho quân chủ lực là 349 người. Tại tỉnh thành lập 2 đại đội sửa chữa máy móc, 1 đại đội phòng không của tỉnh; các xã có đội bảo vệ từ 10 đến 15 người làm nhiệm vụ bảo vệ cầu, đường và nơi cất giấu vũ khí, phương tiện, phát hiện bom nổ chậm, hướng dẫn giao thông cho các đoàn bộ đội, dân công hành quân qua địa bàn Tuyên Quang.

Cụ Phạm Hiền (ngoài cùng bên trái), cựu TNXP tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ ký ức Điện Biên cho lớp trẻ.

Tuyên Quang đã huy động  1.021.136 ngày công sửa chữa 168 km đường trong giai đoạn chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ và tổng huy động 56.196 người, chiếm 43% dân số toàn tỉnh với 1.854.360 ngày công trong thời điểm quyết định chiến dịch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh. Ngoài ra tỉnh còn cung cấp cho bộ đội hàng trăm tấn rau xanh, cung cấp 1.881.322 kg gạo cho các chiến dịch làm cầu đường...

Ngồi trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh treo đầy ảnh, Huân huy chương kháng chiến, cựu chiến binh Nguyễn Văn La, tổ 4, phường Phú Lâm (thành phố Tuyên Quang) chia sẻ, cha mẹ ông sinh được 5 người con, trong đó có 4 người con trai đều là chiến sỹ. Ông La và anh trai Nguyễn Văn Tẩy là chiến sỹ Điện Biên. Anh trai ông không may mắn đã bị thương, trở thành một thương binh. Dưới ông là 2 em Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Nguyên cũng là bộ đội chống Mỹ và đều hy sinh. Ngoài ra, cha và mẹ ông La cũng là những người từng trực tiếp tham gia các hoạt động cách mạng trong kháng chiến và được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đặc biệt, mẹ ông cụ Tạ Thị Lụa đã được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.  

Năm 1951, chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được gọi vào bộ đội và biên chế vào Tiểu đoàn Phú Thọ tăng cường cho Sư đoàn 351 pháo binh. Đây là một trong những đơn vị hỏa lực chủ công của mặt trận. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ vận chuyển đạn dược do các đội dân công hỏa tuyến hoặc thanh niên xung phong tập kết gần mặt trận đến các đơn vị chiến đấu của Sư đoàn. Theo lệnh điều động của chỉ huy đơn vị, ông và đồng đội của mình đã đội mưa, đạp rừng để mang những lô đạn pháo đến các trận địa. Dù đối mặt với bom đạn của địch, nhưng bằng lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm và khí thế “Chân đồng vai sắt” ông và đồng đội trong đơn vị chuyển tải đạn quyết tâm không để những người lính pháo binh phải thiếu những quả đạn sẵn sàng trút lửa xuống đầu thù.

Cụ Phạm Hiền, tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) năm nay 90 tuổi. Đầu năm 1954, đơn vị của cụ là một trong những Đội thanh niên làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ tham gia rất nhiều công việc như gác máy bay, phá bom nổ chậm, làm đường, khơi thông đường cho xe pháo và bộ đội lên Điện Biên Phủ.

Cụ Hiền kể, đơn vị có 12 người được chia làm 3 nhóm, nhóm 1 có nhiệm vụ lên điểm cao nhất đèo Pha Đin gác máy bay, nhóm 2 nghe tiếng nổ để xác định máy bay thả bao nhiêu quả bom và nhóm 3 sửa chữa, lấp hố bom tuyến đường đèo Pha Đin để đảm bảo tối bộ đội hành quân lên Điện Biên an toàn. Đèo Pha Đin rất dốc và nhiều cua tay áo, xe pháo dài không đi qua được, đơn vị ông dùng sức người tháo pháo đưa qua chỗ cua rồi lại lắp lên xe để bộ đội đưa pháo vào chiến dịch. Đó là những ngày tháng không thể quên, là kỷ niệm đẹp nhất, vinh dự, tự hào của cả cuộc đời ông.

56 ngày đêm với tinh thần quyết tâm chiến đấu, lòng dũng cảm hy sinh quên mình, trí thông minh sáng tạo vượt qua mọi khó khăn gian khổ của toàn đảng, toàn quân, toàn dân đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tự hào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục