Hà Lang giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Hà Lang là xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn của huyện Chiêm Hóa. Xác định công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua xã đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, giúp người dân tự lực vươn lên.

Đồng chí Ma Văn Mầm, Chủ tịch UBND xã cho biết, là địa phương có tới 99% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, xã luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2016 đến nay, xã đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận, trực tiếp xuống thôn giải thích cho người dân hiểu. Từ đó, giúp người dân thay đổi tư duy và cách làm, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo sự lan tỏa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Kết quả, từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 55% năm 2016, đến nay đã giảm xuống còn 19%, thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, xã phấn đấu giảm thêm 30 hộ nghèo để từng bước đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.


Anh Lý Văn Nghĩa, thôn Nà Khau, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn trâu.

Đang chăm sóc đàn trâu vỗ béo, anh Lý Văn Nghĩa, thôn Nà Khau chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện kinh tế khó khăn của xã. Năm 2017, sau khi được UBND xã tạo điều kiện cho học nghề nuôi trâu vỗ béo và vay được số tiền 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đầu tư làm chuồng trại và chăn nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Nhờ nắm vững kiến thức chăn nuôi nên chỉ sau một thời gian gia đình tôi trả được hết nợ”. Hiện gia đình anh Nghĩa có 5 con trâu, 5 con bò, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Năm 2019 gia đình anh Nghĩa đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Cách đây vài năm, nhắc đến Phia Xeng là nhắc đến thôn xa, khó khăn của xã. Nhưng ngày nay, Phia Xeng lại là “vựa cam” của xã. Chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn Phia Xeng nói, toàn thôn hiện có 86 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Toàn xã có hơn 60 ha cam, riêng thôn Phia Xeng chiếm 52 ha, bình quân mỗi năm Phia Xeng xuất trên 1.000 tấn quả cam ra thị trường. Cam chính là cây trồng chủ lực, cũng là sản phẩm được chính quyền xã lựa chọn thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của xã. Người dân nơi đây ngoài trồng cam còn phát triển mạnh kinh tế rừng, hầu như nhà nào cũng có khoảng 1,5 ha rừng trở lên. Từ đó, đời sống người dân được nâng lên, số hộ nghèo giảm theo từng năm. Năm 2016, thôn có trên 70% số hộ nghèo, đến cuối năm 2020 giảm còn 20/86 hộ, chiếm 23%.

Điểm mới trong công tác giảm nghèo của xã đó là cán bộ thôn sẽ luôn là người đi trước, làm kinh tế cho nhân dân học tập. Anh Trần Văn Quyên, Bí thư Chi bộ thôn Phia Xeng bày tỏ, năm 2012, anh đã bỏ công khai phá đất đồi kém hiệu quả để trồng cây keo, trồng cam, đồng thời tận dụng đất đồi thấp trồng ngô, chăn nuôi gà, vịt, lợn. Hiện nay, gia đình anh có 10 ha rừng, hơn 2 ha cam đã cho thu hoạch quả. Nhờ đó, đời sống gia đình được nâng lên. Anh đã xây dựng nhà ở khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng, chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu được xây dựng quy mô hơn. Thấy anh làm được dân bản cũng tự giác học tập và làm theo.

Toàn xã hiện có gần 800 hộ gia đình, với trên 3.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Dao, Tày, Mông, sinh sống ở 9 thôn, bản. Những năm qua, để làm tốt công tác giảm nghèo, các đoàn thể xã đã đứng ra tín chấp cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện đạt 43 tỷ đồng. Chính quyền xã cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chủ yếu là sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi. Ngoài ra, UBND xã cũng chủ động tìm tòi, thu hút các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài nước đến để tuyển dụng, tạo việc làm cho người lao động. Toàn xã hiện có 500 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, 1 lao động làm việc tại nước ngoài...

Tuy nhiên hiện nay, con đường giao thông liên xã từ thị trấn Vĩnh Lộc đến xã Hà Lang đang xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy hạn chế phần nào giao thương của xã với bên ngoài. Thời gian tới, bên cạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và dịch vụ, Chính quyền xã sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện có phương án tu sửa tuyến đường. Đồng thời, đứng ra nhận thêm các chương trình, dự án cho các hộ nghèo được tiếp cận với các ngành, nghề mới, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.              

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục