Liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ chuyển đổi số. Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) và chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm kết nối các thông tin, dữ liệu điện tử hình thành trong quá trình khám, chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân thành hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện phục vụ công tác quản lý chuyên ngành y tế được đầy đủ, chính xác, kịp thời; hỗ trợ công tác tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu, giúp việc dự báo, hoạch định chính sách, chỉ đạo hiệu quả về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở khai thác, sử dụng các tiện ích từ hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Toàn thành phố phấn đấu: 100% người dân sống, làm việc ổn định trên địa bàn Hà Nội được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, qua đó hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội; 100% thông tin sức khỏe y tế của người dân trên địa bàn thành phố được theo dõi, quản lý thông qua dữ liệu số, đồng thời được chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Đây là nhiệm vụ mới nên UBND thành phố yêu cầu các trường thông tin, dữ liệu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử (hiển thị trên các ứng dụng phục vụ người dân) cần bảo đảm tuân thủ theo hướng dẫn và quy định của ngành Y tế.
Việc xây dựng và triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cần bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý sức khỏe; các chức năng, tính năng kỹ thuật phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm việc chia sẻ thông tin, dữ liệu và các quy định về an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ và hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Công an…
Gửi phản hồi
In bài viết