Nghiên cứu khoa học tại Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Đại học Phenikaa.
Cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn là rào cản
Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” do Bộ Chính trị ban hành ngày 30-1-2023 đã xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Đồng thời, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe; mã số: KC.10/2021-2030”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm; mã số: KC.11/2021-2030” và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; mã số: KC.12/2021-2030”.
Đánh giá về phát triển công nghệ sinh học của Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 Lê Huy Hàm cho rằng, thời gian qua, với khoản đầu tư không nhiều, Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước như: Nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Việt Nam đã đặt được nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc, gồm nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vắc xin thú y, sản xuất các chế phẩm sinh học cho chăm sóc và bảo vệ cây trồng và vật nuôi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến, phát triển y học cá thể hóa (Personalised medicine); ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán sớm và điều trị chính xác; công nghệ tế bào (Cellomics); công nghệ Omic; ngân hàng sinh học (Biobanking); công nghệ Bioinformatic Y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; công nghệ giải mã gene... ứng dụng trong phát hiện, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh mới nổi, tái nổi và chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mạn tính không lây.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cho biết, nhờ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao được lai tạo thành công. Các chế phẩm sinh học phát triển phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả cao.
Phát triển công nghệ sinh học bám sát nhu cầu sản xuất
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, nền công nghệ sinh học nước nhà vẫn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển của đất nước, chưa tạo ra các thành công từ nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, chỉ có công nghệ tầm phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử... được ứng dụng thành công.
Việc hợp tác liên kết còn yếu, nhất là hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, giữa viện - trường - doanh nghiệp; thiếu nguồn lực công nghệ cao, thiếu cán bộ đầu ngành, thiếu vắng đầu tư của doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp vẫn chủ yếu nhằm tận dụng vốn của các chương trình khoa học, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Hệ thống quy chế cho sản phẩm mới tạo ra từ công nghệ sinh học chưa bắt kịp nhu cầu, do đó không thúc đẩy được nghiên cứu. Chưa có chính sách phù hợp cho hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Vì vậy, rất cần có những giải pháp quyết liệt để hóa giải những khó khăn trên. Theo Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 Lê Huy Hàm, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TƯ, cần xác định rõ định hướng, đó là phát triển công nghệ sinh học bám sát thực tiễn, bám sát nhu cầu của sản xuất. Không nghiên cứu thứ gì chúng ta mạnh, mà nghiên cứu những thứ thực tiễn cần và chúng ta có khả năng làm được. Tiếp cận nhu cầu của sản xuất và tiềm năng đóng góp cho sản xuất sẽ là tiêu chí đánh giá các nhiệm vụ của chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học.
Để đạt được 2 mục tiêu chính của Chương trình KC.12/2021-2030 là: Phát triển và ứng dụng được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; hình thành và phát triển được một số sản phẩm sinh học ở quy mô công nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, góp phần hình thành ngành công nghiệp sinh học cần phát triển mạnh mẽ công nghiệp sinh học dựa trên các công nghệ đã được làm chủ từ giai đoạn trước. Ứng dụng các công nghệ mới về quang điện tử, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin... nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghệ sinh học. Tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới dựa trên công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, enzyme, protein...
Đặc biệt, cần tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới, hiện đại như: Genome editing (chỉnh sửa gen), công nghệ genome, animal cloning (nhân bản vật nuôi), thịt nhân tạo, gen drive (công nghệ phát động gen để kiểm soát dịch hại)...; phát triển các ứng dụng công nghệ 4.0 cho công nghệ sinh học hiện đại định hướng đến và phát triển sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ đào tạo cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TƯ đã được đệ trình và dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết