Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25 có mục tiêu nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Quang cảnh hội thảo.
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận của giai đoạn 2019-2023. Tuy vậy, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đánh giá nghiêm túc để định hướng cho giai đoạn tới, đến năm 2030.
“Chúng ta cần làm rõ khung Chương trình giai đoạn tới theo hướng làm chủ, phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo sơ kết, đánh giá Chương trình KC4.0/19-25 giai đoạn 2019-2023, GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ nhiệm Chương trình cho biết, có 7 nhiệm vụ đã được nghiệm thu; 40 nhiệm vụ đã được ký hợp đồng, đang triển khai; 5 nhiệm vụ xin không thực hiện; 9 nhiệm vụ đang đợi phê duyệt kinh phí; 13 nhiệm vụ đang làm thủ tục họp Hội đồng tuyển chọn.
Định hướng mục tiêu, nội dung và sản phẩm của Chương trình giai đoạn đến năm 2030, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy cho biết sẽ tập trung vào nghiên cứu làm chủ, phát triển và chuyển giao công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0; phát triển các sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, hỗ trợ phát triển, đổi mới mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số; tạo cơ chế, chính sách giúp thuận lợi, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, phòng ngừa, ứng phó tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam...
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về: Hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí; Ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam; giới thiệu Hệ thống giám sát và dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu thập, tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ nghiêm túc lắng nghe các ý kiến để tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình cho giai đoạn tới, trước mắt là việc hoàn thiện Khung Chương trình kéo dài đến năm 2030 để trình ban hành trong năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết