Bộ tiêu chí này là căn cứ để các tổ chức, cá nhân, đơn vị quản lý điểm du lịch, khu du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng điểm đến; cơ quan quản lý nhà nước định hướng trong công tác đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, Bộ tiêu chí phân ra 5 nhóm tiêu chí đánh giá đối với các khu, điểm du lịch chất lượng cao. Đó là: Tài nguyên du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Các khu, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao bên cạnh có các di tích độc đáo (được xếp hạng hoặc đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể), phong cảnh, thiên nhiên đẹp còn cần phải bảo đảm thu hút được lượng khách ít nhất 150 người/ngày; được bảo tồn và giữ được văn hóa truyền thống đặc trưng.
Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch còn cần phải có những chỉ dẫn thông tin cụ thể, hấp dẫn cho du khách như: Có thuyết minh trực tiếp hoặc qua ghi âm, hình ảnh; quầy thông tin, bảng, biển chỉ dẫn...
Ngoài ra, những khu, điểm du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng còn cần phải xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống, dịch vụ tham quan, dịch vụ mua sắm, dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo phục vụ du khách.
Mặt khác, Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh vào yếu tố bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại các khu, điểm du lịch như: Giữ gìn cảnh quan, môi trường, vệ sinh chung; xử lý rác thải; xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn; bảo đảm an ninh an toàn, phòng, chống cháy nổ; tỷ lệ người lao động địa phương trong điểm du lịch... Tất cả tiêu chí này đều có các thang điểm đánh giá cụ thể với tổng số điểm là 100.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch phổ biến rộng rãi bộ tiêu chí này tới các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch; định hướng công tác đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn phù hợp với Bộ tiêu chí.
Gửi phản hồi
In bài viết