Chương trình hành động nhấn mạnh vai trò của ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Để làm được điều này, ngành Du lịch cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; thực hiện số hóa tài nguyên du lịch Việt Nam; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Việt Nam; xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối của một số khu du lịch quốc gia; ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo theo hướng chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cao như: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thí điểm phát triển sản phẩm du lịch tới các đảo xa bờ. Trong đó, ngành Du lịch cần tập trung phát triển sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, mỗi vùng, ưu tiên khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa đặc trưng, nổi trội của mỗi địa phương.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết