Mục đích của cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng để luôn luôn sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân xảy ra trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Các lực lượng tham gia ứng phó sự cố.
Tình huống giả định, Chi nhánh Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh (Chi nhánh) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội, sử dụng một số nguồn phóng xạ Cs-137 hoạt độ khoảng 40 mCi để đo tỷ trọng trong hoạt động sản xuất của Công ty. Một dây chuyền của Chi nhánh có nguồn phóng xạ bị hỏng, cần phải bảo dưỡng sửa chữa. Nguồn phóng xạ Cs-137 sử dụng trên dây chuyền này được đưa vào kho lưu giữ. Các nguồn phóng xạ còn lại vẫn đang sử dụng trên dây chuyền sản xuất.
Đội cấp cứu khẩn trương tới cấp cứu nạn nhân.
Vào lúc 8h00 ngày 16-12-2023, phụ trách kho nguồn của Chi nhánh phát hiện nguồn phóng xạ lưu giữ trong kho bị thất lạc. Quá trình tìm kiếm cho thấy, nguồn phóng xạ đã bị lấy trộm và bán cho một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. Tại cơ sở thu mua phế liệu, nguồn phóng xạ đang bị đập vỡ gây nhiễm bẩn phóng xạ. Lực lượng chức năng phải tổ chức tẩy xạ cơ sở, tẩy xạ người, đánh giá tình trạng sức khỏe người dân sống tại cơ sở và xung quanh. Hậu quả, 10 người bị hoảng loạn, 4 người bị nhiễm bẩn phóng xạ, trong đó 3 người ở mức nhẹ, chỉ cần tắm rửa, thay quần áo, 1 người bị phơi nhiễm ở mức độ nặng hơn phải đưa đến cơ sở y tế để tẩy xạ và theo dõi điều trị.
Sau khi tiếp nhận thông tin ban đầu về sự cố, lãnh đạo cơ sở đã thông báo đến các cơ quan chức năng. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thu thập và xử lý thông tin. Căn cứ theo thông tin sự cố thu thập được đã đánh giá mức độ báo động và báo cáo Ban chỉ huy khởi động kế hoạch ứng phó sự cố. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội - Cục Quân y phối hợp ứng phó sự cố. Ngay khi nhận được tin báo, các đơn vị đã điều động nhân lực, phương tiện tham gia ứng phó sự cố theo nhiệm vụ.
Lực lượng tham gia thu hồi các mảnh vật chứa phóng xạ, tẩy xạ khu vực, thu gom chất thải phóng xạ.
Sau hơn 1 giờ diễn ra, buổi diễn tập đã kết thúc thành công, thể hiện sự chuyên nghiệp của lực lượng tham gia diễn tập, cũng như sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng.
Các tác nghiệp chính trong diễn tập thực binh gồm: Tập kết lực lượng bên ngoài cơ sở thu mua phế liệu; chuyển người dân liên quan ra khu vực an toàn; thiết lập hàng rào an toàn và hàng rào an ninh khu vực; thiết lập trạm chỉ huy hiện trường; tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ, đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ; phân loại nạn nhân bị chiếu xạ, bị nhiễm bẩn phóng xạ; tiến hành sơ cứu bước đầu, tẩy xạ cho nạn nhân sau đó chuyển về các cơ sở y tế thích hợp; tổ chức bảo đảm an ninh khu vực sự cố, hướng dẫn các phương tiện tránh khỏi khu vực nguy hiểm; thu hồi các mảnh vật chứa phóng xạ, tẩy xạ khu vực, thu gom chất thải phóng xạ.
Trực tiếp chỉ huy, điều hành buổi diễn tập, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Buổi diễn tập đã bám sát nội dung và đạt được mục đích, yêu cầu của Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 4-7-2023 của UBND thành phố về việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Buổi diễn tập đã thể hiện được khả năng hiệp đồng ứng phó giữa các đơn vị tham gia và có giá trị thực tiễn cao, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó trong thực tế khi xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn thành phố.
Gửi phản hồi
In bài viết