Tắt sóng 2G để dành tần số cho phát triển công nghệ di động mới với tốc độ nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Xu hướng chung của thế giới
Tắt sóng công nghệ cũ 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Di động toàn cầu GSMA, đến cuối tháng 6-2023, có 149 nhà mạng đã, đang tắt công nghệ cũ này.
Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đoàn Quang Hoan cho biết, việc tắt sóng 2G đem lại 3 mục tiêu cơ bản. Đó là không sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng dịch vụ chất lượng cao, tốc độ cao, từ đó, giúp sớm đưa cả xã hội lên môi trường số. Đối với doanh nghiệp, nhà mạng sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, góp phần phát triển công nghệ xanh. Với Nhà nước, tắt sóng 2G giúp giải phóng băng tần (900MHz) để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới.
Chuyên gia mạng không dây Huawei Nguyễn Duy Lâm phân tích, 2G và 3G đang sử dụng băng tần “vàng” 900MHz và so với băng tần 1.800MHz của 4G, băng tần 900MHz có lợi thế vùng phủ rộng hơn nhiều, ví dụ cùng một khu vực, nếu dùng băng tần 1.800MHz cần khoảng 1.000 trạm BTS, nhưng nếu dùng băng tần 900MHz sẽ giảm được một nửa số trạm. Việc tắt 2G nên được thực hiện càng sớm càng tốt để dành băng tần “vàng” 900MHz cho các công nghệ mới cũng là quan điểm được Giám đốc TruIDC Việt Nam Nguyễn Đình Hùng đưa ra.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã thông tin, từ năm 2016 khi thực hiện cấp phép băng tần cho 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương chuẩn bị cho tắt sóng 2G và tất cả giấy phép đều được đề xuất có hạn đến tháng 9-2024. Điều này sẽ giúp nhà mạng có định hướng trong việc phát triển thuê bao và là sở cứ tốt để quy hoạch lại các băng tần.
Thêm nữa, chủ trương tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chính phủ đặt ra để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công trên môi trường số. Việc dừng 2G, tiến tới dừng 3G sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện trong kế hoạch từ 2023 đến 2026.
Nhà mạng sẵn sàng tắt sóng 2G
Như đã nêu, tắt sóng công nghệ cũ đã được định hướng từ 5 năm trước. Một trong số động thái quyết liệt là Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” có hiệu lực từ ngày 1-7-2021, bắt buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, hiện có khoảng 15 triệu thuê bao 2G, số thuê bao này giảm dần và đến tháng 9-2024 sẽ không còn thuê bao 2G trên mạng lưới.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) Nguyễn Trọng Tính cho biết, nhà mạng đã chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công, hiện chỉ còn 0,2% khách hàng 3G. Viettel triển khai các biện pháp chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G, như hỗ trợ dịch vụ, giá cước cho khách hàng theo hướng ưu đãi đặc biệt để phù hợp với nhu cầu chi trả; đồng thời áp dụng các chính sách giảm giá thiết bị tới 50% cho khách hàng chuyển lên 4G mua máy kèm gói cước; hoặc phối hợp với Samsung cung cấp các dòng máy, với mức giá khoảng trên 1 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng.
Phó Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong 2 năm qua, VNPT chủ động tắt sóng các trạm 2G riêng lẻ khoảng 10% trạm riêng 2G. Cùng với đó, VNPT lên “kịch bản” cụ thể cho các lớp khách hàng ở khu vực nông thôn, hải đảo với các chính sách, sẽ kết hợp tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi sang dùng thiết bị 4G.
Phó Trưởng ban Truyền thông MobiFone Lê Mai Sơn thông tin, MobiFone còn khoảng 3 triệu khách hàng dùng máy 2G. Để kích cầu người dùng 4G, MobiFone hợp tác với các chuỗi bán lẻ và hãng điện thoại để cung cấp dòng máy 4G giá rẻ phù hợp với người dân; thiết kế các gói cước dữ liệu cho khách hàng khi chuyển từ 2G lên 4G tạo thói quen sử dụng mới.
Về chính sách của Nhà nước cho tắt sóng 2G, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã thông tin thêm, cơ quan quản lý xây dựng quy định dành cho thuê bao là người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa. Theo đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy điện thoại thông minh để hỗ trợ các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thời gian tới, quỹ sẽ triển khai kế hoạch này. “Các nhà mạng đã thống kê người sử dụng 2G đến từng địa phương. Cục Viễn thông sẽ cùng nhà mạng xây dựng kế hoạch cụ thể. Ngoài việc hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh giá rẻ từ Quỹ Viễn thông công ích, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố huy động nguồn xã hội hóa. Một số vùng không thuộc diện Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ cũng sẽ được các địa phương lưu tâm, bảo đảm việc chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G đồng bộ”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tính tới phương án đào tạo, huấn luyện cho người sử dụng làm quen với các công nghệ mới, bảo đảm an toàn, tránh vào các ứng dụng giả mạo, cách nhận biết các ứng dụng không an toàn. Các nhà mạng bên cạnh việc chuyển đổi dịch vụ cần xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn người sử dụng chi tiết.
Gửi phản hồi
In bài viết