Do vậy, cần coi đây là một nội dung trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của môi trường thông tin, phải phối hợp hành động để thế hệ trẻ có được bộ lọc văn hóa hữu hiệu và sức đề kháng tốt chống lại "vi rút" văn hóa độc hại đó.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình “Tinternet - Nâng cao ý thức người dùng mạng tại Việt Nam” do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, tháng 11-2023. Ảnh: Vân Chi
Những dấu hiệu lệch chuẩn
Theo số liệu thống kê đến tháng 6-2021, trong số 97,75 triệu dân cả nước, có trên 68,72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) sử dụng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 ở châu Á. Chưa hết, việc người dùng mạng xã hội ngày càng "trẻ hóa": 16,5% người có các tài khoản mạng xã hội là trẻ em. Đây chính là thành phần dễ tổn thương nhất trước sự tấn công của các "vi rút" văn hóa độc hại, các trào lưu (hot trend) xấu, những thông tin có tính giật gân, tin nóng chưa được kiểm chứng, có thể vô tình được nhóm đối tượng này chia sẻ, bình luận để tăng "like" (lượt “thích", tăng "view" (lượt xem), tăng tương tác trên các trang, nhóm của mình…
Trước hết, xét về khách quan, thuật toán các nền tảng xã hội có thể “đẩy” bất cứ nội dung nào thành “hot trend” (xu hướng nổi bật) miễn là đạt lượt “like”, “view”, “share” (chia sẻ) lớn. Nhìn từ góc độ tích cực, các thông tin trên không gian mạng có thể giúp liên kết, thôi thúc, động viên, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, kết quả tốt đẹp hơn. Khi “hữu xạ tự nhiên hương”, những giá trị đích thực sẽ là mẫu số chung của những giá trị tinh thần, cá nhân có hình ảnh cá nhân tốt hay thần tượng đúng nghĩa không còn là chân dung của một người nữa, mà trở thành biểu tượng tốt đẹp cho xã hội.
Song, mạng xã hội sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi có những người dùng quan tâm nội dung nhảm và không mang tính giáo dục. Hiệu ứng đám đông trên không gian mạng rất to lớn một khi nội dung đó được chia sẻ và đề xuất theo thuật toán, tạo điều kiện dễ dàng cho thế lực thù địch có thể sử dụng các “tài khoản ảo” để đẩy bất kỳ một sự việc, hiện tượng nào lên thành xu hướng. Điều này đã và đang làm cho nhiều hiện tượng, ngôn ngữ phản cảm, thậm chí là vô văn hóa, hoặc vi phạm pháp luật không rõ lý do gì đã có thể trở thành “viral” (video được lan truyền nhanh), thành hiện tượng nóng, có lượt tìm kiếm và truy cập cao trong thời gian ngắn.
Có lẽ chưa khi nào, việc một ai đó được giới trẻ hâm mộ lại dễ dàng như hiện nay. Thay vì có tài năng, có tri thức, có cống hiến cho xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì nhiều người gây “bão” trên mạng xã hội với những hành vi vô văn hóa, phản cảm, dung tục, có những biểu hiện lệch chuẩn trong tư duy, lối sống, thậm chí là vi phạm pháp luật lại được giới trẻ hâm mộ, tung hô.
Điển hình, sự việc lừa đảo với từ khóa “thao túng tâm lý” xôn xao cộng đồng mạng từ tài khoản Tina Dương sinh năm 1995 ở Bắc Giang, được gọi với cái tên “Anna Bắc Giang”. Thậm chí, màn livestream (phát trực tiếp) khoe sự việc cô vừa trở về từ cơ quan công an và thừa nhận hành vi lừa đảo của mình cũng thu hút hơn 16.000 lượt xem cùng lúc. Trái khoáy, nhiều bạn trẻ để lại bình luận tung hô cô như một thần tượng.
Chưa hết, còn vô số những “giang hồ mạng” gắn mác những YouTuber rất nổi tiếng như “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, “soái ca” Khá Bảnh, “thầy dạy làm giàu” Huấn hoa hồng, đại ca Phú Lê... đều đã vướng vào vòng lao lý… Những nội dung mang đủ tính chất nhảm nhí, nói tục chửi bậy, không có tính chất giáo dục, nguy hại thay lại được các thanh, thiếu niên và đặc biệt là các em nhỏ xem rất nhiều.
Mặt khác, xét về chủ quan, người trẻ dù sao cũng hạn chế về phông văn hóa, “sức đề kháng” đối với các "vi rút" văn hóa xấu độc còn yếu.
Thần tượng một ai đó không hề xấu, nhưng quan trọng là giới trẻ cần có nhận thức và hiểu biết để phân biệt được đúng sai, tốt xấu từ chính những người mà mình hâm mộ. Những thông tin trên mạng xã hội được tiếp nhận, thẩm thấu và sàng lọc qua “bộ lọc” của từng chủ thể bằng nhận thức, trình độ, cảm xúc, nhu cầu… và nhất là nền tảng văn hóa giá trị của chính mỗi người. Song, không phải người dùng mạng nào cũng đủ tỉnh táo kiểm soát và điều chỉnh sự ngưỡng mộ thần tượng một cách tích cực để giúp bản thân vươn lên, tiến bộ không ngừng, nhất là với người trẻ. Văn hóa idol (thần tượng) mạng do đó vẫn còn nhiều điều "gợn", hiện tượng sùng bái điên cuồng, bắt chước, hùa theo những thói hư tật xấu của thần tượng và nghiêm trọng hơn là việc fan (người hâm mộ) cuồng, fan quá khích đang ngày càng "trẻ hóa”.
Nếu thần tượng là những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, các danh nhân văn hóa, hay những tấm gương người trẻ thành công… thì đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, những “cơn bão” trên mạng xã hội làm cho giới trẻ mất phương hướng trong quan điểm, làm thay đổi cả lối sống, nhận thức, ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động, thì sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của người trẻ thật sự là điều đáng trăn trở.
Để có được “tấm áo giáp”
Để có được “tấm áo giáp” tự bảo vệ, không bị "vi rút" văn hóa độc hại ăn mòn, người trẻ rất cần được gia đình và nhà trường quan tâm, giáo dục hơn nữa, giúp nhận diện các giá trị thực chất. Việc cần làm ngay lúc này là chúng ta phải xây dựng cho được một môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội, giúp người dùng tiếp cận những gì thực sự tốt đẹp trên không gian truyền thông đầy hấp dẫn với những sản phẩm phù hợp lứa tuổi và văn hóa.
Các nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi, đánh giá, xử lý các thông tin xấu độc, ngăn chặn gỡ bỏ tài khoản có hình ảnh, ngôn ngữ không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nguồn phát tán thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội, góp phần bảo đảm trật tự xã hội. Tăng cường hiệu quả quản lý cũng phải dựa trên công nghệ, dựa vào trí tuệ nhân tạo để có được những thuật toán kiểm soát tối đa những video, tài khoản đăng tải các nội dung xấu, độc…
Cộng đồng và những người có trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý văn hóa cần kịp thời lên án, tẩy chay những clip, nội dung nhảm nhí, độc hại; tăng cường kiểm tra, xử lý. Đồng thời, cần đề xuất truyền tải những vấn đề tích cực, những bài viết, clip truyền cảm hứng bởi những tài khoản có ảnh hưởng, giúp lan tỏa thông tin tốt đẹp, định hướng suy nghĩ tích cực cho người trẻ.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia trong toàn bộ đời sống. Phải coi đây là một nội dung cần quan tâm trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng. Từ đó, giúp người trẻ phân biệt được đâu là văn hóa giá trị, đâu là phi giá trị. Đồng thời, hệ giá trị quốc gia này cũng là cơ sở để gia đình và nhà trường giáo dục, hướng dẫn con em mình nhằm tạo được “kháng thể” cho người trẻ trước những "vi rút" văn hóa độc hại. Việc giúp người trẻ thần tượng đúng người, biết phân biệt văn hóa với phi văn hóa sẽ làm cho họ sống có mục tiêu, nâng cao hiểu biết và kỹ năng, lấy đó làm động lực thúc đẩy hoàn thiện bản thân.
Như vậy, việc chấp nhận một “thế giới phẳng”, truyền thông kết nối ngày càng bùng nổ là tất yếu khách quan; việc quản lý, kiểm soát, định hướng và xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp trên không gian mạng là việc cấp thiết. Song song với đó, chúng ta cần trang bị cho thế hệ trẻ phông kiến thức xã hội phong phú, bộ lọc văn hóa hữu hiệu và sức đề kháng tốt để chống lại mọi "vi rút" văn hóa độc hại. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế… Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”. Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ta chủ trương thực hiện phương châm vừa “xây”, vừa “chống”; phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Chính vì vậy, nhận diện và có giải pháp phòng, chống các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng là vấn đề quan trọng hiện nay.
Phạm Thị Thu Giang
(Khoa Lý luận cơ sở, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội)
Gửi phản hồi
In bài viết