Hai "chìa khóa" để chuyển đổi số hiệu quả

Phát triển nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số.

Đây cũng là "chìa khóa" bảo đảm công cuộc chuyển đổi số tại thành phố Hà Nội đạt hiệu quả nhanh chóng, bền vững và thành công. Đi đôi với đó là nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện chuyển đổi số.

Hỗ trợ người dân giải quyết dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thái

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 của thành phố Hà Nội được nâng cao, trong đó có chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố hoàn thành Hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống quản lý văn bản và điều hành cùng với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội lại đang gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, khối lượng công việc về chuyển đổi số lớn, nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu. “Hiện tại hầu hết các đơn vị đều chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, chưa có quy định vị trí việc làm về an toàn thông tin”, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, số hóa là vấn đề mới, thực tế nhiều cán bộ, công chức vẫn coi đây là công việc của bộ phận công nghệ hoặc một nhóm chuyên môn về dữ liệu. Bên cạnh đó, công chức, viên chức chưa được tập huấn nghiệp vụ nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Việc sắp xếp bố trí nhân lực để thực hiện việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng gặp nhiều khó khăn vì cán bộ chuyên môn, cán bộ “một cửa” hằng ngày xử lý rất nhiều hồ sơ công việc. “Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 170 thủ tục hành chính, trong đó chỉ có 6 cán bộ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” với khoảng 350-400 lượt khách/ngày”, ông Nguyễn Tây Nam thông tin.

Ngoài ra, những khó khăn trong chuyển đổi số toàn diện ở cấp xã còn xuất phát từ nhận thức của cán bộ, công chức, người dân chưa đầy đủ; thiếu hụt cán bộ được đào tạo về công nghệ thông tin.

Nhiệm vụ không của riêng ai

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số. “Khi nào chúng ta còn “khoán trắng” cho tin học, cán bộ tin học, trung tâm tin học thì lúc đó chuyển đổi số còn thất bại. Khi nào nhận thức được chuyển đổi số là “sống còn”, bản thân chúng ta phải tự muốn đổi mới trong từng lĩnh vực, từng khâu để năng suất cao hơn thì khi đó chúng ta mới thành công”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.

Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà khẳng định, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng, cốt lõi xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Do vậy, quận Hà Đông thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là vai trò của lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; nâng cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số là công tác quan trọng hàng đầu. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng mô hình hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn; hướng dẫn người dân, tổ chức, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số quốc gia… nhằm hướng tới phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó tạo môi trường an toàn, kiến tạo cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đang đề xuất nghiên cứu kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin để áp dụng thống nhất trên toàn quốc, bảo đảm cán bộ yên tâm công tác, duy trì nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục