Tháng 12-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Theo văn bản này, nghệ sĩ tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Tuy nhiên, bộ Quy tắc này không có chế tài xử phạt mà chỉ mang tính định hướng với mục tiêu xây dựng chuẩn mực về hành vi ứng xử của nghệ sĩ để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Để các quy định về vấn đề nói trên cụ thể và chặt chẽ hơn, mới đây, trong Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo đã có đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người có tầm ảnh hưởng rộng rãi như nghệ sĩ, KOL khi tham gia quảng cáo sản phẩm. Trong đó, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội, nghệ sĩ, người nổi tiếng phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm. Điều này sẽ ràng buộc nghệ sĩ, buộc họ phải có trách nhiệm hơn với sản phẩm mà mình nhận lời quảng cáo, đồng thời việc đánh giá sản phẩm cũng được chân thực, chính xác hơn.
Như vậy có thể thấy, sự bức xúc của công chúng lâu nay xung quanh việc nghệ sĩ lợi dụng niềm tin của khán giả để quảng cáo sai sự thật đã dần được xử lý, tháo gỡ thông qua các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, để các quy định này thực sự đi vào đời sống, tạo hiệu quả cần có, rất cần sự chung tay giám sát của cộng đồng bởi trong các hình thức chế tài đối với loại hành vi này, có lẽ đáng sợ nhất lại là các chế tài ngoài luật, đó chính là việc nghệ sĩ bị công chúng quay lưng, truyền thông thờ ơ. Công chúng hãy dùng chính sức mạnh chính đáng của mình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và để các quy định pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Gửi phản hồi
In bài viết