Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với sự chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, công cuộc chuyển đổi số tại thành phố Cảng đã có những tín hiệu lạc quan với kỳ vọng sẽ là "cú huých" để Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững.
Cuối năm 2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố, đặt ra các mục tiêu lớn cho tầm nhìn 10 năm: phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 16%; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng, chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là cơ hội của thành phố. Hải Phòng có nhiều lợi thế ở lĩnh vực này, đó là đặc thù cơ cấu nền kinh tế thành phố có công nghiệp công nghệ cao, logistics, du lịch, thương mại… Đáp ứng xu thế xã hội và nhu cầu phát triển, Nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân về áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong sản xuất-kinh doanh và trong cuộc sống thường ngày…
Thành phố Hải Phòng chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế nhằm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, nhất là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Đồng thời, các hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa 16 về "Chủ trương đầu tư dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025" và chương trình phối hợp hành động thúc đẩy chuyển đổi số thành phố Hải Phòng trong giai đoạn 2022-2025 giữa Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhanh chóng được triển khai rộng rãi tới các cấp, ngành, địa phương, đơn vị...
Mục tiêu là hình thành hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ, dịch vụ dùng chung phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền số; bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, phân tích dữ liệu tổng hợp, phục vụ điều hành, quản lý tổng thể của chính quyền, cung cấp dịch vụ chung phục vụ người dân và doanh nghiệp… Những nỗ lực nêu trên được kỳ vọng sẽ tạo thay đổi đột phá trong xếp hạng chính quyền số thành phố Hải Phòng, đưa Hải Phòng thành nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số…
Thành phố Hải Phòng chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế nhằm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, nhất là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Từ chiến lược phát triển của thành phố tới các ngành và các doanh nghiệp đều hướng tới hình thành cơ cấu tổ chức, vận hành thông minh, tạo ra sản phẩm, dịch vụ từ công nghệ và mô hình kinh doanh mới từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, Hải Phòng sớm thực hiện chọn lọc trong thu hút vốn FDI với việc ưu tiên dự án công nghiệp công nghệ cao, tăng trưởng xanh nhằm chủ động trong thu hút các "đại bàng" công nghệ, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số của thành phố. Hiện, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực điện tử, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả như các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc), Fuji Xerox, Kyocera (Nhật Bản), GE (Mỹ), Tập đoàn Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc) - nhà cung ứng linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo…, Universal Scientific Industrial (USI) thuộc Tập đoàn ASE Technology Holding - tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ mạch bán dẫn trong các thiết bị thông minh…
Các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố và các cuộc họp của các cấp, ngành cũng đều đã tiến tới không giấy tờ. Tài liệu được chuyển tới các đại biểu bằng mã QR; các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cũng được số hóa và chuyển trên môi trường mạng. Ngay biển tên các đường phố Hải Phòng cũng đang được gắn thêm mã QR để người dân và du khách tiện tra cứu… Những chủ trương và động thái mạnh mẽ của các cấp, các ngành đã tạo luồng gió mạnh mẽ thổi vào đời sống xã hội, góp phần hình thành, phát triển môi trường số tiện ích, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người dân.
Quyền Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Thị Lộc cho biết, đội ngũ cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, "số hóa" các quy trình nghiệp vụ, đưa toàn bộ 25 bộ thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và hơn 12 nghìn đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử, đạt 98,15% số đơn vị trên địa bàn…
2022 là năm khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều thách thức lớn, nhưng cũng đã có những thành công bước đầu trong quá trình "số hóa". Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay và Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên vị trí quán quân Chỉ số cải cách hành chính…
2022 là năm khởi đầu cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều thách thức lớn, nhưng cũng đã có những thành công bước đầu trong quá trình "số hóa". Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay và Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên vị trí quán quân Chỉ số cải cách hành chính…
Hiện các ngành, các địa phương đang tích cực chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông liên tục triển khai các chương trình, hoạt động, kết nối và thúc đẩy chuyển đổi số tại các ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể. Sở Giao thông vận tải đi tiên phong trong các sở, ngành đã thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến; ngành giáo dục và đào tạo tập trung triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử…; Sở Tư pháp đang tăng tốc trong số hóa hồ sơ tư pháp công dân; hồ sơ bệnh án điện tử đã được thí điểm tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng; Sở Tài chính thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển Hải Phòng qua hình thức trực tuyến, hoàn toàn không dùng tiền mặt; các doanh nghiệp lớn đều đã giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng các phần mềm vào điều hành như: quản lý hệ thống điện chiếu sáng, tín hiệu giao thông, kiểm soát và quản lý tiêu thụ nước sạch, quản lý chất lượng sản phẩm, tài liệu, hồ sơ… Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC Hải Phòng) tại quận Hồng Bàng và quận Ngô Quyền đưa chợ Lương Văn Can thành chợ dân sinh đầu tiên trên địa bàn không dùng tiền mặt…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hoàng Minh Cường, công tác chuyển đổi số tại Hải Phòng hiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống, cho nên thành phố Cảng đang nỗ lực thể hiện rõ quyết tâm, khát vọng và khả năng bứt phá dẫn đầu trong phát triển thời gian tới nhờ vào dữ liệu, công nghệ, giải pháp chuyển đổi số.
Gửi phản hồi
In bài viết