Ngay sau kỳ nghỉ Tết, người trồng cam huyện Hàm Yên bắt đầu cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả; làm sạch cỏ quanh gốc để hạn chế việc cạnh tranh nước và mất dinh dưỡng, ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh; tăng cường vun xới đất, bón phân cho cây để vườn cam khỏe mạnh, phát triển tốt. Việc chăm sóc vườn cam sau thu hoạch đúng kỹ thuật sẽ làm tăng năng suất cho cây cam những vụ tiếp theo.
Bà con xã Yên Phú (Hàm Yên) bón phân cho cam sau thu hoạch.
Ông Hà Xuân Thiên, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, trong quá trình nuôi quả từ 8 đến 10 tháng cây cam cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt để phục hồi sau khi thu hoạch quả, đây là giai đoạn cây yếu nhất, dễ bị tấn công bởi sâu bệnh. Nếu không có kế hoạch chăm sóc lại cây cam năm mới thì cây sẽ bị yếu đi, thậm chí suy thoái toàn bộ cả vùng cam. Trong năm 2022, Trung tâm đã mở 152 lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, trong đó có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam cho bà con trên địa bàn. Hiện nay bà con trồng cam đều cơ bản nắm bắt được các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cam.
Riêng đối với việc chăm sóc cam sau thu hoạch, người trồng cam tập trung vào chế độ dinh dưỡng và cắt tỉa tán, cành. Gia đình chị Phạm Thị Hà, xã Tân Thành những ngày này đang tập trung nhân lực chăm sóc gần 4 ha cam của gia đình. Thời gian gần đây chị Hà áp dụng việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, chị hạn chế việc bón phân hóa học mà tăng cường bón phân hữu cơ. Việc bón phân hữu cơ cho cam được chị Hà thực hiện khá cầu kỳ bằng cách mua cá tạp về ủ làm phân tưới rửa cho vườn cam của mình. Chị Hà cho rằng, việc dùng phân hữu cơ cho cây có chất lượng quả cao hơn, độ ngọt rất cao, chính vì vậy sản phẩm cam của chị thường có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cam chăm sóc bằng phương pháp bón phân hóa học.
Chị Bùi Thị Hải, xã Bình Xa thực hiện liên kết trồng và tiêu thụ cam với trên 400 hộ trên địa bàn các xã như Bình Xa, Minh Hương và một số xã của huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn. Chị Hải đứng ra đầu tư cho các hộ vốn, phân bón, thuốc trừ sâu... hướng dẫn các hộ trồng cam theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Chị Hải cho biết, để đảm bảo cam phát triển tốt có chất lượng quả cao, được giá, dễ bán yếu tố chăm sóc hết sức quan trọng, nhất là chăm sóc cam sau thu hoạch.
Chính vì vậy, chị Hải luôn quan tâm hướng dẫn bà con chăm sóc cam sau thu hoạch theo đúng quy trình của mình: sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón phun nhằm hạn chế rụng quả, quả phát triển đều và đẹp; sử dụng phân bón từ cá ngâm, đậu tương ngâm làm tăng độ ngọt của quả; cắt tỉa để loại bỏ quả không đạt chất lượng; phòng, trừ một số sâu bệnh gây hại lá và quả nhằm hạn chế quả chín sớm và rụng... Quy trình này được áp dụng thường xuyên, vì vậy sản phẩm cam liên kết với bà con luôn được đảm bảo về chất lượng, giá cả.
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, muốn đưa cam vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc qua các nhà phân phối tiêu thụ lớn đòi hỏi cam phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ có chỉ dẫn địa lý. Do vậy, để nâng cao hiệu quả và phát triển thị trường cam một cách ổn định, việc chăm sóc cam sau thu hoạch cần phải được thực hiện tốt, tăng cường các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng các điều kiện khắt khe nhất, từng bước đưa cam chinh phục các thị trường khó tính và hướng đến xuất khẩu.
Gửi phản hồi
In bài viết