Người dân xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) phát triển kinh tế từ mô hình liên kết trồng dưa chuột.
Với mục tiêu xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Hợp tác xã Minh Tâm (Sơn Dương) ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với trên 50 nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác tại 28 xã trên địa bàn tỉnh, với quy mô 315 ha/2.239 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt trên 15.500 tấn; giá bán bình quân là 5.500 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt trên 87 tỷ đồng.
Điển hình có một số xã trồng dưa đạt năng suất, sản lượng cao như: xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) trồng 3,5 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 189 tấn, giá bán 8.000 đồng/kg thu được trên 1,5 tỷ đồng/vụ; xã Kiến Thiết (Yên Sơn) năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.235 tấn; xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt 1.560 tấn. Ông Hoàng Văn Long, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, với 1.500 m2 đất ruộng trồng dưa chuột vụ đông năm 2022, gia đình ông thu 7,7 tấn quả, bán cho đơn vị thu mua với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 40 triệu đồng, lãi gấp 4 lần trồng lúa và lãi gấp 2 lần trồng cây ngô và lạc.
Mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hồng Thái (Na Hang).
Không chỉ dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột, những dự án hỗ trợ con giống chăn nuôi những năm gần đây cũng liên tục được nhân rộng, tác động đến nhiều hộ gia đình. Điển hình như dự án xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô 400 đàn của 8 hộ tại xã Thái Bình (Yên Sơn), kết quả đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất khai thác mật đạt bình quân 18,1 kg/đàn/năm, sản phẩm mật ong đảm bảo an toàn thực phẩm. Hay như mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm có quy mô 40 con lợn rừng của 4 hộ tham gia tại các xã Hồng Thái, Đà Vị, Năng Khả, Thanh Tương (Na Hang). Sau khi kết thúc mô hình, đàn lợn từ các hộ được hỗ trợ lần đầu đã sinh sản và nhân rộng.
Anh Nguyễn Đình Tâm, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ, giống lợn rừng có khả năng thích nghi, kháng bệnh cao, có giá trị kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại. Thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng chuồng trại để nhân thêm đàn lợn cung ứng giống cho bà con trong xã và các xã lân cận.
Mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản tại thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang).
Ngoài ra, hệ thống Khuyến nông của tỉnh đã thực hiện 106 mô hình khuyến nông áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều mô hình triển khai đạt hiệu quả kinh tế cao và được nông dân hưởng ứng nhân rộng ra sản xuất, điển hình như: mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308, quy mô 1,0 ha, năng suất bình quân đạt 73,7 tạ/ha; mô hình giống lúa TBR 225 có gen kháng bạc lá, quy mô 1,5 ha, năng suất bình quân đạt 69 tạ/ha; mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hồng Thái (Na Hang) với quy mô 1,5 ha sẽ góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch…
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trước khi triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Các mô hình hỗ trợ từ chương trình khuyến nông đều lựa chọn kỹ lưỡng, ưu tiên những mô hình mới phù hợp với thực tiễn địa phương, tiến bộ kỹ thuật mới để trình diễn, thử nghiệm và phổ biến nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết