Việc phát triển nông nghiệp hàng hóa đã đem lại nguồn lợi kinh tế hiệu quả cho nông dân trong huyện. Tuy nhiên, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cả và đầu ra của nông sản gặp khó. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 cây, 2 con được xác định là chủ lực đó là cây cam, cây chè, cây gỗ rừng trồng và con trâu, con vịt Minh Hương. Trong đó, cây cam có diện tích trên 7.000 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 75 nghìn tấn quả/năm, là cây trồng có giá trị kinh tế lớn nhất, thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 4 tháng (từ tháng 11 đến tháng 2 dương lịch). Tiêu thụ sản phẩm cam năm 2021 đang là thách thức với các cấp chính quyền trong huyện. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản lượng cam trong tình hình dịch bệnh Covid-19, UBND huyện đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cụ thể cho từng kịch bản dịch bệnh Covid-19 gồm: tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội. Trong đó, huyện tập trung tuyên truyền, phối hợp, liên kết để tiêu thụ nội tỉnh tăng khoảng 2% so với các năm trước đó, đạt khoảng 17% sản lượng; tăng cường tiêu thụ qua các thương lái các chợ đầu mối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh 46%; phối hợp với Sở Công thương đưa vào hệ thống các các siêu thị, đưa lên các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Postmart khoảng 5,2% và tiêu thụ trên các kênh khác.
Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Hồng, thôn 9, xã Minh Hương đang được tích cực chăm sóc.
Huyện đã xác định phương án tiêu thụ sớm, tiêu thụ trước cam xanh, vỏ mỏng tại 6 xã phía bên kia sông là Phù Lưu, Minh Dân, Bạch Xa, Minh Khương, Tân Thành, Yên Thuận để phục vụ nguồn nguyên liệu cam vắt cho các tỉnh, tránh tổn thất do dập và đồng thời kéo dài thời gian thu hoạch cho quả cam sành.
Hiện nay, vấn đề lãnh đạo huyện, các địa phương lo lắng chất lượng, mẫu mã của quả cam sành có thể bị giảm sút. Nguyên nhân là do thời tiết cực đoan, nhiệt độ cao cộng với mưa lớn đã và đang làm cây cam sốc nhiệt, gây ra chết cục bộ. Thêm vào đó giá phân bón tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, giá cam 2 năm 2019, 2020 thấp, có thời điểm xuống đến 4.000 đồng/kg nên người dân không “mặn mà” chăm sóc cây cam như trước. Để quả cam sành không bị giảm sút về chất lượng, thương hiệu đã xây dựng, UBND huyện đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về việc chăm sóc cây cam đúng quy trình. Huyện tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người trồng cam; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã; duy trì tốt vùng sản xuất cam theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 500 ha cam sành tại các xã Tân Thành, Phù Lưu, Yên Lâm...
Hơn hai năm nay, anh Tô Văn Quý, xã Tân Thành đã không còn sử dụng các loại phân vô cơ bón cho vườn cam của gia đình, thay vào đó là sử dụng phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Vụ cam năm 2020 gia đình anh Quý có hơn 600 gốc cam sản xuất theo hướng hữu cơ, dự kiến cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, thu về khoảng 250 triệu đồng. Anh Quý chia sẻ, các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cam đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ. Ưu điểm của phương pháp hữu cơ là bảo vệ sức khỏe cho người trồng cam và bảo vệ môi trường, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên. Đây cũng là điều kiện để quả cam sành vào thị trường khó tính và lên được các sàn điện tử trong tương lai.
Sản phẩm vịt bầu của gia đình chị Phạm Thị Vân, thôn 4, xã Minh Hương chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh.
Ngoài cây cam, thì hiện nay huyện đang đẩy mạnh tiêu thụ các nông sản khác như chè, vịt Minh Hương. Xã Minh Hương có 60 hộ chăn nuôi vịt bầu với số lượng trên 10 nghìn con. Trong đó tập trung vào một số hộ chăn nuôi quy mô lớn là gia đình bà Phạm Thị Vân, ông Phạm Văn Thi, bà Hoàng Thị Ngọc, bà Hoàng Thị Thành, anh Lương Văn Tiếp... còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc tiêu thụ trong thời điểm này khá vất vả vì tình hình dịch Covid-19 các nhà hàng nghỉ phục vụ, người dân cũng hạn chế hơn việc chi tiêu. Chị Phạm Thị Vân, Giám đốc HTX Vịt bầu Hàm Yên cho biết: Mọi năm đến thời điểm gần Rằm tháng 7 không có vịt thịt cung cấp cho thị trường nhưng năm nay do dịch bệnh Covid-19 phức tạp thương lái ở các nơi không đặt mua nhiều nên người dân đã giảm đàn ngay từ đầu năm. HTX có 12 thành viên, nuôi trên 8.000 con, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và một vài nhà hàng các tỉnh lân cận. Tới đây, HTX điều chỉnh lại sản xuất, vận động xã viên nuôi gối đàn và chăm sóc theo phương pháp sạch bệnh và sản phẩm nông nghiệp tốt để đưa sản phẩm vịt bầu của HTX lên sàn thương mại điện tử, mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, giới thiệu với người tiêu dùng trong nước sản phẩm đặc sản của núi Cham Chu.
Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân trong huyện, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hàm Yên đang từng bước được tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ và hướng tới thị trường theo cách bền vững hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết