Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích Israel xuống Rafah, Dải Gaza, ngày 29/10. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cánh vũ trang của phong trào Hồi giáo Hamas - Lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam - ngày 31/10 tuyên bố lực lượng này sẽ trả tự do cho một số con tin nước ngoài đang bị giam giữ trong những ngày tới.
Phát biểu trên truyền hình, ông Abu Obeida - người phát ngôn Lữ đoàn Ezzedine Al-Qassam - xác nhận: “Chúng tôi đã thông báo cho các bên trung gian rằng chúng tôi sẽ trả tự do cho một số lượng người nước ngoài nhất định trong vài ngày tới”.
Thông báo trên được đưa ra khi ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo từ cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng nhân đạo mỗi lúc một trầm trọng ở Gaza.
Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), trong vụ tấn công diễn ra hôm 7/10, có ít nhất 230 người được xác định đã bị bắt cóc và đưa về Dải Gaza - bao gồm phụ nữ, trẻ em và hàng chục người nước ngoài hoặc người mang 2 quốc tịch.
Đến nay, mới có 5 con tin được tự do, trong đó 4 con tin là phụ nữ, trẻ em và người già được thả trong các ngày 21/10 và 23/10 sau những cuộc đàm phán thông qua kênh ngoại giao và 1 người được giải cứu sau chiến dịch của quân đội Israel.
Cũng trong ngày 31/10, chính quyền Mỹ cho biết trong vòng 24 giờ qua, 66 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã tiến vào Gaza và hàng chục chiếc xe khác dự kiến sẽ được thông quan để chuyển hàng viện trợ.
Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đánh giá năng lực vận chuyển viện trợ bằng xe tải đến nay chỉ đáp ứng được “một phần nhỏ” so nhu cầu ở Gaza. Theo ông, các quan chức mong muốn đạt tới con số 100 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày.
Quan chức an ninh Mỹ cũng lưu ý lệnh ngừng bắn nhân đạo trong giao tranh có thể có giá trị, song “cần phải có sự hỗ trợ đáng tin cậy từ cả hai phía” để ủng hộ thỏa thuận như vậy.
Ngoài ra, người phát ngôn Kirby thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận với Quốc vương Jordan Abdullah II về tình hình Gaza sau đó cùng ngày.
Trong tuần qua, các xe tải chở hàng viện trợ đã xuất phát từ Ai Cập tiến vào Gaza thông qua Rafah, cửa khẩu chính không giáp biên giới với Israel.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này đang “tập trung cao độ” vào nỗ lực mở cửa khẩu Rafah cho các công dân Mỹ và người nước ngoài rời khỏi Gaza.
Người phát ngôn bộ trên Matthew Miller nêu rõ: “Chúng tôi đang tập trung cao độ vào nỗ lực mở cửa khẩu... Chúng tôi đã đạt được tiến triển tích cực trong vấn đề này trong vài giờ qua và hy vọng sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ để đưa các công dân Mỹ ra khỏi Gaza”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 31/10 bày tỏ hết sức lo ngại trước tình trạng gia tăng xung đột giữa Israel và phong trào Hamas khi giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở Gaza.
Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ tình trạng leo thang bao gồm những hoạt động tấn công trả đũa lẫn nhau một cách liên tục giữa các bên xung đột. Người đứng đầu Liên hợp quốc chia sẻ: “Tôi vẫn lo ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang nguy hiểm vượt ra ngoài Gaza”.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi tất các bên xung đột bảo vệ dân thường. Ông nhấn mạnh: “Luật nhân đạo quốc tế đưa ra những quy định rõ ràng và không thể bị phớt lờ. Đó không phải là ‘thực đơn gọi món’ và không thể được áp dụng một cách có chọn lọc”.
Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đoàn kết và ủng hộ lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt “vòng xoáy chết chóc” ở Trung Đông.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông Grandi lập luận: “Một lệnh ngừng bắn nhân đạo ít nhất có thể ngăn chặn vòng xoáy chết chóc này”, đồng thời đề nghị các bên liên quan “vượt qua chia rẽ và sử dụng quyền hạn của mình để yêu cầu một lệnh ngừng bắn”.
Cũng trong ngày 31/10, Chính phủ Cộng hòa Cyprus xác nhận đang đàm phán với các bên ở Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất thiết lập hành lang viện trợ nhân đạo từ hòn đảo này đến Gaza.
Người phát ngôn Chính phủ Cộng hòa Cyprus Konstantinos Letymbiotis tuyên bố: “Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc ngoại giao với các quốc gia trong khu vực, EU và Liên hợp quốc để có thể thiết lập hành lang nhân đạo hết sức quan trọng này”.
Theo các nguồn tin, chi tiết về cách thức hoạt động của hành lang - bao gồm cơ quan điều hành và các vấn đề an ninh - vẫn đang được thảo luận.
Một quan chức Cộng hòa Cyprus cho biết Nicosia đánh giá ý tưởng trên là rất khả thi bởi vì Cyprus có vị trí gần Trung Đông và mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước láng giềng.
Cộng hòa Cyprus là quốc gia thành viên EU gần Dải Gaza nhất, nằm cách vùng đất này khoảng 370km về phía Tây Bắc.
Theo kế hoạch, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides sẽ thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về về chủ đề thiết lập hành lang nhân đạo, trong khi Ngoại trưởng Constantinos Kombos đã đến thăm Jordan và Chính quyền Palestine ở Ramallah trong 2 ngày 29 và 30/10.
Tổng thống Cộng hòa Cyprus cũng đã đề cập vấn đề này với người đồng cấp Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi.
Gửi phản hồi
In bài viết