Ảnh minh họa.
Cụ thể, cơ quan dữ liệu EU ghi nhận, nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung gồm 20 quốc gia đã giảm 0,1% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, sau khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,2% trong quý II. Trong khi đó, nền kinh tế EU tăng trưởng 0,1%.
Những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất là Latvia (tăng 0,6%), Bỉ (tăng 0,5%), Tây Ban Nha (tăng 0,3%). Trong khi đó, các nước giảm mạnh nhất là Ireland (giảm 1,8%), Áo (giảm 0,6%) và CH Séc (giảm 0,3%). Về phần mình, Pháp tăng trưởng 0,1% trong khi kinh tế Italia "đi ngang".
Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên cả thế giới lẫn trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung là một trong những nguyên nhân.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng ảm đạm là bởi kinh tế khu vực này bị đè nặng bởi nền kinh tế lớn nhất và cũng là trụ cột chính: Đức, với mức suy giảm 0,1%.
Nhu cầu tiêu dùng suy giảm trên thế giới đã kéo tụt doanh số xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại EU nói chung và các nước công nghiệp như Đức nói riêng. Tại Đức, sản xuất chế tạo đang chậm lại, thể hiện qua mức độ điện năng mà ngành này sử dụng đang thấp hơn khoảng 12% so với đầu năm 2022.
Theo các nhà quan sát, mô hình kinh tế dựa trên xuất khẩu đang kìm hãm tăng trưởng của eurozone. Năm 2022, châu Âu xuất khẩu 2.800 tỷ euro hàng hóa, trong đó hơn 1/3 là xe hơi và máy móc thiết bị, giá trị xuất khẩu chiếm tới 22% tổng sản phẩm quốc nội.
Gửi phản hồi
In bài viết