Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm và Nguyễn Xuân Nam chủ trì buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện với các phóng viên báo chí
Ngày 4/5, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện; trước đó, căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Điện là một mặt hàng đặc thù và rất quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân, do đó, thông tin về việc điều chỉnh giá điện luôn được toàn xã hội quan tâm.
Với việc tăng giá điện trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đòi hỏi Bộ Công thương, EVN phải nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn và liên tục phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Kỹ sư Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) luôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ thiết bị trạm biến áp, bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định và liên tục phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TIẾN HIỆP)
Tác động ở mức tối thiểu
Chiều 4/5, tại cuộc họp báo trao đổi về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân, đại diện lãnh đạo EVN cho biết: Theo tính toán, với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50kW giờ/tháng là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50kW giờ toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100kW giờ/tháng là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100kW giờ toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%);
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200kW giờ/tháng là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200kW giờ toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất;
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300kW giờ/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300kW giờ toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%); tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400kW giờ/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 30-400kW giờ toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).
Hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân, mỗi khách hàng này trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá điện, mỗi hộ này sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng. Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân, mỗi hộ này trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ này sẽ trả thêm 307.000 đồng/tháng.
Năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn… nhờ đó đã tiết giảm chi phí hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng… Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng.
Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng này trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ này sẽ trả thêm 40.000 đồng/tháng.
Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, trong quá trình triển khai, EVN cũng chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp, người dân để giảm thiểu tác động lên sản xuất, kinh doanh và đời sống ở mức ít nhất; với việc giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% sẽ tác động lĩnh vực sản xuất sắt thép tăng thêm 0,18% giá thành; xi-măng 0,45%...; đây là mức tác động thấp tới nhóm các khách hàng sản xuất cũng như sinh hoạt.
Trước tác động của các biến động trên thế giới và các yếu tố cung-cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như là than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao.
Chi phí nhiên liệu mà chúng ta phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, do đó đã làm cho chi phí phát điện tăng theo; giá nhiên liệu thế giới tăng và tỷ giá biến động làm chi phí mua điện của EVN tăng cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan tác động vào chi phí sản xuất điện.
Giá điện đã được Chính phủ, các bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ nguyên trong 4 năm qua. Ngoài ra, EVN đã thực hiện 5 đợt hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khoảng 15.234 tỷ đồng.
Tuy vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi.
Trước đó, vào ngày 31/3/2023, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kW giờ, tăng 9,27% so năm 2021.
Ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.826,22 đồng/kW giờ, mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kW giờ.
Nỗ lực tiết giảm chi phí
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết, với mức tăng 3%, ước tính doanh thu 8 tháng còn lại năm 2023 của EVN sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN.
Theo ông, trong kịch bản đề ra, nếu giá điện tăng 5% sẽ làm tăng 0,17% CPI; thực tế, với mức tăng 3% này thì mức tác động tới CPI không đáng kể. Tăng giá điện chỉ là một trong giải pháp giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN. Bản thân EVN cũng có các giải pháp tiết kiệm chi phí như giảm chi thường xuyên; cắt giảm chi phí sửa chữa lớn, chi phí nhân công; tiết kiệm điện....
EVN cũng làm việc các nhà cung ứng nhiên liệu như khí, than để đề nghị chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí đầu vào; đàm phán các nhà đầu tư có các nguồn năng lượng tái tạo để hài hoà lợi ích.
Tập đoàn cũng sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ liên quan đến các chi phí đầu vào… Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc cố gắng đáp ứng nhu cầu than của EVN để bảo đảm nhu cầu sản xuất điện.
Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng, EVN cần tiếp tục thực hiện định hướng chung của Đảng và Chính phủ đó là tiết kiệm, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để bảo đảm khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Trong những năm qua, EVN cũng đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện triệt để các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía bắc, đặc biệt trong các tháng từ tháng 5 đến tháng 8.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành, để bảo đảm việc điều hành giá điện có lộ trình, xem xét việc tác động giá điện đến GDP, CPI, sản xuất và đời sống nhân dân trong nước ở mức thấp nhất, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.920,3732 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5.
Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công thương xem xét trước đó.
Chính phủ, Bộ Công thương cũng chỉ đạo EVN tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp khác để tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí đầu vào, bao gồm: Rà soát, thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện chương trình tiết kiệm điện, nghiên cứu việc đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Giám sát thiết bị trạm biến áp, bảo đảm hệ thống truyền tải điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, liên tục. (Ảnh: QUANG THẮNG)
Để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trong năm 2023, Bộ Công thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể: Yêu cầu EVN bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023; phối hợp khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc-Nam;
Bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền bắc; chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Bộ Công thương cũng quyết liệt chỉ đạo các đơn vị bảo đảm cung ứng đủ than, khí cho sản xuất điện; chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện: thường xuyên rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động của nhà máy điện; tăng cường công tác kiểm tra, củng cố các thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết bảo đảm nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện…
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) bày tỏ quan điểm, việc điều chỉnh giá điện dù ít dù nhiều thì nó cũng có tác động nhất định, nhưng mà điều chỉnh tăng 3% thì tác động nó không lớn lắm.
Theo tính toán của ông thì tăng 3% thì tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,99% vòng 1 - trực tiếp, còn vòng hai tác động tăng khoảng 0,1%. Theo ông, việc tăng 3% không cao nhưng những lo ngại việc “té nước theo mưa” sau việc tăng giá bán lẻ điện. Do đó, không có gì khác ngoài việc là Nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành điện trong bối cảnh tình hình tài chính của họ - vì dù có điều chỉnh 3% cũng vẫn còn rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Trước hết là yêu cầu tất cả những doanh nghiệp mà phải đăng ký giá, những doanh nghiệp nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh để khi điều chỉnh giá điện tăng 3%, tránh tình trạng là giá điện tăng bao nhiêu lại tăng bấy nhiêu, rồi lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá là lôi kéo những mặt hàng mà ở ngoài thị trường, ngoài các chợ dân sinh để nó tăng theo, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chúng ta.
Theo Quyết định 1062/QĐ-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt: Bậc 1 (cho kW giờ từ 0 đến 50) là 1.728 đồng/kW giờ; Bậc 2: (cho kW giờ từ 51 đến 100) 1.786 đồng/kW giờ; Bậc 3 (cho kW giờ từ 101 đến 200) 2.074 đồng/kW giờ; Bậc 4 (cho kW giờ từ 201 đến 300) 2.612 đồng/kW giờ; Bậc 5 (cho kW giờ từ 301 đến 400) 2.919 đồng/kW giờ; Bậc 6 (cho kW giờ từ 401 trở lên) 3.015 đồng/kW giờ.
Giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất: đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên: giờ bình thường 1.584 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 999 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 2.844 đồng/kW giờ; cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV: giờ bình thường 1.604 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.037 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 2.959 đồng/kW giờ. Đối với cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV: giờ bình thường 2.708 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.594 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 4.532 đồng/kW giờ. Cấp điện áp dưới 6kV: giờ bình thường 2.746 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.671 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 4.724 đồng/kW giờ.
Giá bán lẻ điện cho kinh doanh: cấp điện áp từ 22kV trở lên: giờ bình thường 2.516 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.402 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 4.378 đồng/kW giờ. Đối với cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV: giờ bình thường 2.708 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.594 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 4.532 đồng/kW giờ. Cấp điện áp dưới 6kV: giờ bình thường 2.746 đồng/kW giờ; giờ thấp điểm 1.671 đồng/kW giờ; giờ cao điểm 4.724 đồng/kW giờ.
Giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp: bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông: cấp điện áp từ 6kV trở lên: 1.690 đồng/kW giờ; cấp điện áp dưới 6kV: 1.805 đồng/kW giờ. Chiếu sáng công cộng, hành chính sự nghiệp: cấp điện áp từ 6kV trở lên: 1.863 đồng/kW giờ; cấp điện áp dưới 6kV: 1.940 đồng/kW giờ.
Gửi phản hồi
In bài viết