Tổng thống Macron (phải) tiếp đón Thủ tướng Albanese tại Điện Elysee. (Ảnh: FRANCE24)
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội đàm, Thủ tướng Albanese và Tổng thống Macron khẳng định cam kết xây dựng một mối quan hệ giữa hai nước gần gũi hơn. Hai bên chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa nhập và kiên cường, dựa trên đối thoại và các sáng kiến chung với các đối tác trong khu vực. Thừa nhận rằng đã có “những thời điểm khó khăn” trong quan hệ hai nước, Tổng thống Macron nhấn mạnh, cuộc hội đàm này đánh dấu sự sẵn sàng xây dựng lại mối quan hệ đối tác tin cậy giữa Paris và Canberra.
Cái bắt tay nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Australia và Pháp tại Ðiện Elysee trước khi tiến hành hội đàm cùng những tuyên bố mang đầy thiện chí cho thấy tín hiệu lạc quan trong quan hệ hai nước. Trước đó, mối quan hệ Pháp-Australia từng trải qua một khoảng thời gian sóng gió. Hồi tháng 9/2021, sự ra đời đột ngột của thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, còn gọi là AUKUS, gắn với chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Pháp. Dĩ nhiên, Paris không thể tránh khỏi cảm giác bị các đồng minh truyền thống “gạt ra ngoài lề”.
Nhưng căng thẳng còn dâng cao hơn nữa sau khi Australia thông báo hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang thực hiện thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ đối tác an ninh với Mỹ và Anh. Ðiều này giáng một đòn nặng nề vào quan hệ Pháp-Australia, bởi hợp đồng bị hủy bỏ có giá trị lên đến hàng chục tỷ USD và mang ý nghĩa quan trọng đối với Tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp. Ngay sau đó, Pháp cấp tốc triệu hồi đại sứ tại Australia về nước để tham vấn.
Cùng chia sẻ những lợi ích chung chiến lược ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn và là đối tác lâu năm, việc Australia và Pháp hướng tới hàn gắn rạn nứt là điều tất yếu. Những năm qua, Pháp đẩy mạnh chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, với Australia là một “mắt xích” quan trọng. Thủ tướng Australia Albanese đánh giá, Pháp giữ vai trò là trung tâm quyền lực ở châu Âu và là một cường quốc chủ chốt ở Thái Bình Dương. Phía Canberra cũng xác nhận về khoản bồi thường trị giá khoảng 830 triệu AUD vì đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm với Paris.
Trước thềm chuyến thăm, giới chức hai nước đều phát đi những tín hiệu tích cực bày tỏ thiện chí thúc đẩy quan hệ. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Australia Albanese nhấn mạnh sự cần thiết phải “khởi động lại” mối quan hệ với Pháp. Ông Albanese nhận định, khoản bồi thường mà Australia sẽ trả cho Pháp là công bằng, bình đẳng và cho phép tái thiết lập quan hệ song phương tốt đẹp hơn. Trong khi đó, theo Ðặc phái viên của Tổng thống Pháp về các vấn đề hàng hải Olivier Poivre d’Arvo, tình hữu nghị Pháp-Australia đã được nối lại nhờ các động thái của Thủ tướng Australia và chính phủ của ông.
Chia sẻ chung quan điểm về ứng phó biến đổi khí hậu cũng là yếu tố giúp Pháp và Australia xích lại gần nhau. Thủ tướng Albanese từng xác định việc quy định về mục tiêu phát thải là ưu tiên trong chính sách đối nội của chính phủ nước này. Chính phủ Australia tuyên bố sẽ cắt giảm 43% lượng khí thải các-bon vào năm 2030 so với mức của năm 2005, cao hơn mức cắt giảm 28% mà chính phủ tiền nhiệm đề ra. Cam kết mới này nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của Tổng thống Pháp Macron. Ông Macron nêu rõ: “Lập trường mới của Australia, đầy chủ động và tham vọng, tạo ra những cơ hội để chúng ta cùng nhau tiến lên”.
Việc Pháp và Australia bày tỏ thiện chí khép lại những tranh cãi, căng thẳng để thúc đẩy hợp tác, cùng đối phó những thách thức chung là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang trải qua thời kỳ nhiều bất ổn. Chuyến công du lần này của Thủ tướng Albanese chính là cơ hội để hai nước khôi phục lòng tin, tạo khởi đầu mới và vạch ra chiến lược phát triển cho một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết