Ùn ứ hành khách ở sân bay Zurich của Thụy Sĩ. (Ảnh Reuters)
Chính phủ Ðức mới đây thông báo sẽ đẩy nhanh thủ tục cấp giấy phép lao động và thị thực cho vài nghìn nhân viên nước ngoài làm việc tại sân bay. Ðộng thái này nhằm giúp giải bài toán thiếu nhân lực cho ngành hàng không khi nước Ðức bước vào cao điểm mùa du lịch. Bộ Lao động Ðức nhấn mạnh, việc chính phủ can thiệp để hỗ trợ các công ty đưa lao động nước ngoài đến làm việc tại các sân bay của Ðức chỉ là biện pháp tạm thời, giúp giảm bớt những gánh nặng do thiếu hụt lao động trong mùa du lịch.
Do đó, việc tìm kiếm giải pháp lâu dài vẫn nằm ở phía các công ty, như đưa ra mức lương và điều kiện làm việc hấp dẫn hơn đối với người lao động. Trong khi đó, tại Anh, để hạn chế tình trạng ùn ứ hành khách tại sân bay, Hãng hàng không EasyJet đã phải rút 40 chuyến bay khỏi kế hoạch hằng ngày trong tháng 6 và tháng 7, trong khi British Airways vạch ra kế hoạch hủy 8.000 chuyến bay trong thời gian từ tháng 3 đến 10/2022.
Vấn đề thiếu trầm trọng nhân viên ngành hàng không không chỉ xảy ra ở châu Âu. Ðây là tình cảnh chung của ngành hàng không trên khắp thế giới, chủ yếu do các hãng chưa kịp bù đắp nguồn nhân lực, vốn đã “bốc hơi” trong thời gian làn sóng dịch Covid-19 hoành hành. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) thông báo, hoạt động hàng không bắt đầu có dấu hiệu năng động trở lại kể từ tháng 2 vừa qua và giai đoạn mùa hè năm 2022 sẽ chứng kiến sự bùng nổ đầu tiên về nhu cầu đi lại, tạo đà phục hồi mạnh mẽ cho các hãng hàng không châu Âu.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, các sân bay châu Âu lại rơi vào tình cảnh không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng vọt của hành khách trong tháng 7 và tháng 8. Theo IATA, trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, khoảng 2,3 triệu nhân viên làm việc tại các sân bay trên khắp thế giới đã nghỉ việc, chuyển hẳn sang các lĩnh vực khác. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh ở châu Âu dần được kiểm soát, các sân bay vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng.
Giám đốc điều hành của Hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland Michael O’Leary (Ô.Lia-ri) cảnh báo, tình trạng các chuyến bay bị hoãn và hủy sẽ tiếp tục xảy ra trong suốt mùa hè này. Trong khi đó, người đứng đầu khu vực châu Âu của Hội đồng sân bay quốc tế Olivier Jankovec (Ô.Gian-cô-vếch) cho biết, tất cả các sân bay tại châu Âu đều đang “oằn mình” đối phó với những khoản chi phí tăng vọt về năng lượng.
Lạm phát khiến giá các nguyên vật liệu liên quan hoạt động của các cảng hàng không tăng thêm từ 50% đến 80%. Tình trạng thiếu nhân lực xảy ra tại tất cả các khâu, từ làm thủ tục, an ninh đến quản lý hành lý... Giới chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn từ sự mệt mỏi của đội ngũ phi công.
Việc cắt giảm nhân sự để “cầm cự” trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành đã đẩy ngành hàng không vào thế khó sau khi các nước mở cửa biên giới trở lại. Bên cạnh những giải pháp tình thế như giảm số chuyến bay, các hãng hàng không cần vạch ra chiến lược lâu dài nhằm giữ chân người lao động, đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo kỹ năng và kiến thức để linh hoạt điều động nhân viên….
Gửi phản hồi
In bài viết